Nhiều quy định khá “vô duyên” trong đề xuất kinh doanh mũ bảo hiểm

(PLO) - Theo quan điểm của các chuyên gia về dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi mô tô, xe máy, đơn vị soạn thảo đã đề xuất nhiều điều kiện khá “vô duyên”, thiếu tính hợp lý, khả thi.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Diện tích mặt bằng có quyết định chất lượng MBH?

Tại Nghị định, điều kiện kinh doanh MBH được quy định tại Điều 5. Trong đó, điều kiện về nhà xưởng (điểm a khoản 2) yêu cầu “Diện tích mặt bằng phù hợp với quy mô sản xuất”. “Đây là tiêu chí định tính rất khó đánh giá” – ông Lê Anh Tuấn, một người tham gia sản xuất MBH nhận định – “Trên thực tế, DN cũng sẽ tự bố trí mặt bằng cho phù hợp để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Hơn nữa, diện tích mặt bằng không quyết định chất lượng của sản phẩm.

Sản xuất MBH không phải là ngành nghề kinh doanh cần phải có bố trí mặt bằng đặc thù như các nghề đào tạo lái xe (cần có địa hình cho học viên tập luyện...) thì việc yêu cầu như vậy là không thực sự cần thiết”. Ông Lê Anh Tuấn và nhiều ý kiến khác đề nghị bỏ quy định này.

Đề nghị hủy bỏ cũng được đưa ra đối với quy định “có mặt bằng kho chứa phù hợp bảo đảm việc quản lý chất lượng vật tư, bán thành phẩm, sản phẩm MBH hoàn chỉnh”.

Tương tự, quy định về điều kiện trang thiết bị kiểm tra chất lượng (điểm c khoản 2) cũng được đề nghị hủy bỏ. Cụ thể, Dự thảo yêu cầu “có phòng thử nghiệm thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu hoặc có hợp đồng với tổ chức thử nghiệm được chỉ định có đủ năng lực thử nghiệm”.

Theo các chuyên gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì đây là không cần thiết vì đã có quy trình về tổ chức thử nghiệm đánh giá và chứng nhận. Hơn nữa, điều quan trọng là kết quả được ban hành bởi tổ chức thử nghiệm đạt tiêu chuẩn chứ không phải là hình thức “sở hữu” hoặc có “ký hợp đồng” hay không. 

Một quy định khác được nhiều chuyên gia pháp luật và DN cho rằng bất hợp lý, đó là điều kiện về hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ (khoản 3 Điều 5). Dự thảo quy định DN sản xuất MBH là phải có “hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu/đồng sở hữu” hoặc “có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức, cá nhân…”.

“Với trường hợp thứ nhất, quy định này can thiệp bất hợp lý vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN vì bắt buộc mọi DN sản xuất phải có luôn hệ thống phân phối trong khi chưa chắc mô hình này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và thuộc quyền tự quyết của DN – Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội) bình luận – Trong trường hợp thứ hai cũng không cần thiết quy định vì DN sản xuất cũng sẽ giao kết hợp đồng để bán được hàng và bảo đảm an toàn về mặt pháp lý trong giao dịch dân sự.

Việc tiêu thụ sản phẩm với ai và như thế nào là do DN quyết định để đảm bảo sự sống còn của mình, pháp luật không thể can thiệp”. Chưa kể, xác định khái niệm “đồng sở hữu” đối với DN hoặc với các cửa hàng, đại lý, phòng thử nghiệm… là không hề đơn giản, khi mà cả Bộ luật Dân sự 2015 và Luật DN 2014 đều không có khái niệm này.

Điều kiện nhập khẩu MBH quy định tại khoản 2 Điều 9 và phân phối MBH quy định tại khoản 2 Điều 12 cũng được đánh giá là không cần thiết, cần bỏ ra khỏi dự thảo Nghị định.

Lắp ráp, sản xuất linh kiện MBH: vẫn ngoài quy định

Trong dự thảo Nghị định, vấn đề lắp ráp MBH vẫn đang để ngỏ. Đây là hoạt động kinh doanh không bị cấm, nên cần có quy định rõ để các tổ chức, cá nhân lắp ráp MBH thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh được thuận lợi.

Bên cạnh đó, trên thực tế cũng có thể có các DN sản xuất từng bộ phận chính của MBH để DN khác mua về lắp ráp hoặc bổ sung một số chi tiết để lắp ráp ra sản phẩm hoàn thiện. Pháp luật cũng không thể cấm hoạt động sản xuất này, nhưng dự thảo Nghị định cũng chưa bổ sung quy định quy định nói trên.

Việc đưa ra các quy định quá cụ thể, quá chi tiết như trên sẽ làm hạn chế việc mở rộng bán MBH đạt chất lượng trong khi mục tiêu của chúng ta hướng tới là mở rộng diện tiếp cận của người dân với loại mũ đạt chuẩn. Các điều kiện đối với DN nhập khẩu và phân phối MBH trong dự thảo là không thực sự cần thiết bởi chỉ cần kiểm soát được chất lượng MBH nhập khẩu vào Việt Nam là đủ.

Mục tiêu chính của việc soạn thảo Nghị định này là hạn chế MBH kém chất lượng, đặc biệt là mũ giả mạo (nêu trong dự thảo Tờ trình Chính phủ). Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng sản phẩm lượng không nên và cũng không thể chỉ bằng các điều kiện kinh doanh mà cần thực hiện chế độ hậu kiểm một cách hiệu quả, thực chất, bằng nhiều biện pháp như quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra…

Bên cạnh đó, để thúc đẩy sử dụng MBH đạt chất lượng trong xã hội thì không chỉ kiểm soát chất lượng mà phải gắn với các biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về việc sử dụng mũ đạt chất lượng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng. Các vấn đề liên quan đến MBH kém chất lượng không thể được giải quyết chỉ bởi nghị định này mà cần biện pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều cơ quan khác nhau.

Do đó, không thể vì các biện pháp khác chưa đạt hiệu quả mà thắt chặt việc sản xuất, phân phối MBH. Điều này có thể dẫn đến khả năng gia nhập thị trường kinh doanh MBH của DN, nhà đầu tư trở nên khó khăn hơn, từ đó dẫn đến nguy cơ gia tăng hàng giả, hàng nhái hoặc MBH kém chất lượng./.

Đọc thêm