Những chiếc cầu treo hết hạn sử dụng phải 'gồng mình' cho hàng nghìn người qua lại

(PLVN) - Mặc dù đã hết hạn sử dụng nhưng nhiều cây cầu treo tại tỉnh Quảng Bình, với vai trò là tuyến giao thông huyết mạch nối liền các thôn, xã, vẫn đang phải "gồng mình” chịu hàng nghìn lượt qua lại mỗi ngày. Thực trạng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, khiến người dân không khỏi thấp thỏm, bất an.
Nhiều cây cầu treo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình dù đã hết hạn sử dụng vẫn đang phải "gồng mình" kéo dài tuổi thọ.
Nhiều cây cầu treo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình dù đã hết hạn sử dụng vẫn đang phải "gồng mình" kéo dài tuổi thọ.

Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm đến cây cầu treo Kim Tiến (xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình). Cây cầu này được đầu tư xây dựng từ năm 2005 nhờ nguồn vốn của Quỹ Bảo trì đường bộ, sau 15 năm, cây cầu đã hết hạn sử dụng và xuống cấp.

Điều đáng nói, cây cầu treo này lại là tuyến giao thông duy nhất nối liền thôn Kim Tiến đến khu vực trung tâm xã và các điểm trường. Do vậy, dù đã hết hạn sử dụng nhưng mỗi ngày cây cầu này vẫn phải “gồng mình” chịu hàng nghìn lượt qua lại, đặc biệt là giờ cao điểm sau khi học sinh tan trường và người dân trong thôn đi làm về.

Cầu treo Kim Tiến là tuyến giao thông duy nhất nối liền thôn này với khu vực trung tâm bên kia sông Gianh.
 Cầu treo Kim Tiến là tuyến giao thông duy nhất nối liền thôn này với khu vực trung tâm bên kia sông Gianh.

“Trước kia, nhờ cây cầu treo nên việc đi lại ngày thường của người dân trong thôn Kim Tiến cũng đỡ vất vả, nhưng sử dụng lâu quá cầu nó cũng xuống cấp nghiêm trọng. Thôn gần 700 nhân khẩu nên việc qua lại cầu ni (này – PV) cũng thường xuyên, nhất là học sinh đi học. Vất vả nhất là vào mùa vụ, sau khi thu hoạch người trong thôn phải thuê xe nhỏ vận chuyển lúa qua cầu, không thì dùng xe máy chở từng bao lúa vì cầu yếu nên không dám kéo cả xe lúa nặng đi qua. Không có cầu bê tông kiên cố nên bà con cũng lo lắng mỗi lần qua cầu”, ông Phan Xuân Can (SN 1954, Trưởng thôn Kim Tiến) chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn, hàng năm, chính quyền địa phương cũng đề xuất và trích một phần kinh phí sử dụng vào việc sử chữa một số hạng mục hư hỏng của cầu treo Kim Tiến. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, do kinh phí hạn hẹp nên việc sửa chữa chỉ tập trung vào một số hạng mục hư hỏng nặng như ván mặt cầu, cáp treo hay một số điểm nối đã bị gỉ sét.

Nhiều điểm nối đã gỉ sét
 Nhiều điểm nối đã gỉ sét 

“Cầu treo Kim Tiến được đưa vào sử dụng từ năm 2005, sau 15 năm sử dụng thì cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Trong các năm 2014, 2019, 2020, ủy ban xã cũng có vốn để khắc phục sửa chữa một số hạng mục như lắp lại ván, sơn lại các điểm gỉ sét, tra dầu mỡ vào một số điểm. Để tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế, mong các cấp trên đầu tư xây dựng cầu kiên cố để thôn Kim Tiến và người dân trong xã Kim Hóa đi lại thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế địa phương”, ông Vũ Trường Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Tiến nói.

Sau nhiều năm sử dụng, cầu treo đã quá hạn sử dụng và xuống cấp nghiêm trọng.
 Sau nhiều năm sử dụng, cầu treo đã quá hạn sử dụng và xuống cấp nghiêm trọng.

Cũng tại huyện Tuyên Hóa, cây cầu treo Đồng Tân tại Thị trấn Đồng Lê sau hơn 20 năm sử dụng, đã xuống cấp cũng phải “gồng mình” kéo dài tuổi thọ, chịu hàng nghìn lượt qua lại mỗi ngày. Nhiều hạng mục của công trình như cáp treo, ván mặt cầu, thanh treo, giằng gió đã xuống cấp và gỉ sét tiềm ẩn nguy hiểm.

“Hàng ngày cháu đi học qua cây cầu này với các bạn, thấy cầu cũ quá cũng lo. Cháu mong muốn được xây dựng một cây cầu mới để đi học cho an toàn”, nữ sinh Trần Thị Quỳnh Nhung, thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, chia sẻ.

Hệ thống cáp treo tại cầu treo Đồng Tân đã xuống cấp nghiêm trọng.
 Hệ thống cáp treo tại cầu treo Đồng Tân đã xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Cao Xuân Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết, địa hình huyện Tuyên Hóa nhiều sông suối chia cắt. Toàn huyện có 5 cây cầu treo nhưng nhìn chung đều sử dụng khá lâu, đến nay đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.

"Hàng năm huyện cũng trích ngân sách của huyện ra để sửa chữa các hư hỏng nhỏ để đảm bảo việc đi lại của bà con trong sản xuất, phục vụ đời sống hàng ngày. Về lâu dài, huyện kiến nghị các cấp chính quyền cấp trên tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí để sữa chửa, khắc phục hư hỏng lớn có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người dân”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa đề xuất.

Hiện trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có 4/5 cây cầu treo đã hết hạn sử dụng nhưng không thể cấm người qua lại
 Hiện trên địa bàn huyện Tuyên Hóa có 4/5 cây cầu treo đã hết hạn sử dụng nhưng không thể cấm người qua lại

Dù có tới 4/5 cây cầu treo đã hết hạn sử dụng, dù bất đắc dĩ và biết không đảm bảo an toàn nhưng hàng ngày, hàng nghìn lượt người vẫn phải chấp nhận “nín thở” đi qua. Chính quyền huyện Tuyên Hóa không thể cấm sử dụng cầu bởi nếu cấm thì người dân sẽ không có tuyến đường nào khác để qua lại. Và không chỉ huyện Tuyên Hóa, một số cây cầu treo tại huyện Minh Hóa cũng đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm...

Đọc thêm