Những tội ác được thay tên mỹ miều

(PLO) - Gần đây nhất là những tuyến đường sắt trên cao tại Hà Nội, tai nạn nối tiếp tai nạn. Đất nước đang hòa bình nhưng số người thương vong vì tai nạn không kém chiến tranh. Phải chăng tội ác đang được ẩn dấu dưới một cái tên mỹ miều.
 Hiện trường vụ tai nạn tại KCN Fomosa
Hiện trường vụ tai nạn tại KCN Fomosa
Sau những tai nạn lao động liên tục của tuyến đường sắt trên cao, liên ngành lao động và xây dựng đã tổ chức cuộc họp rà soát. Tại cuộc họp này, Thứ trưởng Lao động Doãn Mậu Diệp cho biết, từ năm 2005 - 2014 cả nước xảy ra hơn 58.000 vụ tai nạn lao động, làm chết gần 5.800 người và bị thương nặng 14.200 người.
Phần lớn tai nạn xảy ra trong ngành xây dựng, chiếm 30% số vụ gây chết người. Có những vụ tai nạn nghiêm trọng thành thảm họa như vụ cầu Cần Thơ, khu khu công nghiệp Formosa Vũng Áng.
Hiện Hà Nội có hàng trăm cẩu tháp đang hoạt động tại các công trình xây dựng, nhưng theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội thì công tác kiểm định các loại thiết bị, đặc biệt là cẩu ở công trường đang có vấn đề, có cần cẩu vừa được kiểm định an toàn đã gặp sự cố. 
Để kiểm định một cẩu tháp chỉ mất 2 tiếng, thời gian ngắn như vậy làm sao chuẩn? Đại diện Sở LĐ-TB&XH TPHCM phát hiện thực tế kiểm tra công trường có cả công nhân mới 18 tuổi cũng lái cẩu tháp. Công nhân học xong phổ thông, đi học thêm chứng chỉ lái cẩu tháp ba tháng, học thêm chứng chỉ an toàn 3 ngày là được ra lái cẩu tháp “quay đùng đùng” trên đầu người dân, không gây tai nạn mới lạ. 
Qua những con số lạnh người về số người chết, bị thương vì tai nạn lao động mà nguyên nhân hầu hết là do chủ quan của các bên thi công, tư vấn, giám sát; ai cũng dễ nhận thấy rằng đằng sau các nguyên nhân đó có nguyên nhân khác đó là lòng tham và sự vô trách nhiệm của những người có liên quan đến các công trình, dự án. 
Chính vì lòng tham và sự vô trách nhiệm nên họ đã lựa chọn những thiết bị, phương án thi công đạt lợi nhuận cao nhất bất chấp các quy định an toàn. Hiện nay không phải ở thời bao cấp thiếu thốn nguyên vật liệu, vật tư nên phải chọn những vật tư thiết bị không đạt chuẩn. 
Ngược lại có rất nhiều sự chọn lựa. Lao động kỹ thuật cũng quá dồi dào để có thể chọn người có tay nghề tốt, không phải dùng thanh niên 18 tuổi đi lái máy cẩu. Không thể biện minh cho các sai sót này là khách quan.
Không dừng lại đó, phải chăng chính những người này đã chủ động “bôi trơn”, xuyên thủng các quy định, hệ thống quản lý, bịt mắt các cơ quan giám sát, tư vấn để đưa trót lọt các vật tư, thiết bị, con người kém chất lượng vào các công trình. 
Chính vì vậy, cần cẩu mới kiểm định xong đã hỏng, cốt tre được thay cốt thép, giàn dáo kém phẩm chất đưa vào chống đỡ cho công trình… Những sự cố trong xây dựng do vi phạm an toàn như vậy không thể xem là tai nạn hay là những vi phạm hành chính. 
Bộ luật Hình sự đã có Điều 229 về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, quy định: “Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác… gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác,… thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”. 
Rất tiếc là trong cơ chế hiện nay, “bên A là chùm khế ngọt, bên B trèo hái mỗi ngày” nên những tội ác này vẫn được gọi bằng cái tên mỹ miều là tai nạn, được xử lý bằng những hình thức hết sức dịu dàng không có tác động răn đe, không có ý thức ngăn chặn. Quan chức cứ đủng đỉnh sai đến đâu xử lý đến đó thì đương nhiên chuyện “sáng kiểm chiều sập” sẽ còn tiếp tục xảy ra.
Theo ông Nguyễn Văn Dần, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), các sự cố sập giàn giáo tại công trường Formosa, tại đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh vừa qua có nguyên nhân chủ yếu là nhà thầu giám sát, thi công thiếu kiểm tra, không huấn luyện an toàn, không có đủ trang bị đủ phương tiện an toàn, thi công chồng chéo. 
Ông Dần yêu cầu kiên quyết xử phạt nhà thầu vi phạm an toàn xây dựng, có thể tạm dừng hoặc đình chỉ thi công, cấm tham gia xây dựng và đấu thầu các công trình trong vài năm tới. 
Nêu ra những tồn tại, đại diện Bộ GTVT cho rằng, nhà thầu chưa thực sự coi trọng quản lý chất lượng an toàn và bố trí nhân sự phụ trách. Nhiều dự án chưa phân công trách nhiệm cụ thể với từng cá nhân. 
Việc tổ chức công trình thiếu gọn gàng, thiếu trang thiết bị đảm bảo an toàn cá nhân. “Thiết bị đảm bảo an toàn còn hình thức, đặc biệt nhà thầu phụ, xử lý vi phạm còn nhẹ và chưa cương quyết”.

Đọc thêm