Nứt đường băng

(PLO) - Hai đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn nhất đang xuống cấp nghiêm trọng. Với vệt lún bánh xe, nứt, vỡ, ổ gà, ổ trâu... đường bộ, xe có thể đi chậm, lách; tuy nhiên đường hạ cất cánh sân bay thì không thể. 
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Người viết bài này đã từng làm việc với bộ phận an ninh hàng không, mới biết trên đường băng chỉ cần một hòn sỏi, hòn đá nhỏ có thể hút vào phá hỏng động cơ gây nguy hiểm cho máy bay và hành khách. Chủ tịch Hội Hàng không vũ trụ Việt Nam (Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) GS.TS Nguyễn Đức Cương khẳng định vết nứt lớn sẽ uy hiếp an toàn bay, có thể gây ra thảm họa hàng không. Đường băng xuống cấp, bong tróc, nứt nẻ ảnh hưởng trực tiếp đến đường chạy đà, tiếp đất của bánh máy bay. 

Nguyên nhân, có thể có nhiều, nhưng điều dễ thấy là khai thác quá tải. Một đường băng mỗi năm chỉ được phép cất hạ cánh 10.000 lượt nhưng tại hai sân bay lớn là Nội Bài, Tân Sơn Nhất phải gồng gánh lên gấp 2-3 lần, thậm chí nhiều hơn. “Sự cố” đường băng rõ ràng uy hiếp nghiêm trọng an toàn bay, về lý thuyết cũng như thực tế phải sửa chữa ngay. Nhưng vấn đề của Việt Nam, muôn thuở vẫn là... tiền đâu?

Theo một lãnh đạo Bộ GTVT, việc sửa chữa hai đường băng là điều cần thiết nhưng khó khăn ở nguồn vốn; Bộ đã kiến nghị Chính phủ bổ sung hơn 4.200 tỷ đồng vốn trung hạn 2016 - 2020 để nâng cấp khu bay tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài.

Điều khó lý giải, rất “bản sắc” Việt Nam là, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - doanh nghiệp được giao quản lý, khai thác cơ sở hạ tầng hàng không dân dụng nhưng đụng đến việc phải sửa chữa, nâng cấp luôn nhìn vào “hầu bao” Nhà nước. Bạn đọc nhớ cho, với ACV đầu năm 2018, Thanh tra Chính phủ công bố và kiến nghị xử lý 3.600 tỉ đồng sai phạm. Chỉ thiếu 600 tỷ nữa là bằng số tiền Bộ GTVT xin Chính phủ bổ sung. Câu chuyện cho thấy, không thiếu tiền, chỉ là do chúng ta tự “ghè” chân mình, làm cho đất nước “thiệt đơn, thiệt kép”.

Thất thoát lớn nhất ở ACV vẫn là về đất. Trong hai năm 2014 - 2015, ACV đã ký 803 hợp đồng cho thuê mặt bằng nhà ga với tổng diện tích 120.221 mét vuông, tổng số tiền thu về 701,1 tỉ đồng. Tất cả đều qua chỉ định thầu, không qua đấu thầu, đấu giá công khai. ACV và một số chi nhánh cảng hàng không cho thuê lại đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất sai mục đích, không đúng quy định của Nhà nước cho thuê đất với tổng diện tích là 2,931ha.

Không biết đến bao giờ hạ tầng hàng không “nuôi” được hạ tầng hàng không, ít nhất là quản lý tốt để đủ kinh phí duy tu, bảo dưỡng? Không biết đến bao giờ chấm dứt được tình trạng “giao vốn” cho “con ở riêng” nhưng “con cái chỉ phá” quanh năm vẫn phải về xin xỏ, cấu véo vào “hầu bao bố mẹ” như thực trạng quản lý ở Việt Nam? Đây là câu chuyện chung của quản trị quốc gia, quản trị Chính phủ chứ không phải chỉ riêng ACV.

Nêu vấn đề này để thấy rằng nứt đường băng đã nghiêm trọng nhưng “nứt, nẻ” tầm nhìn và tư duy, “bong tróc” quản lý còn nguy hiểm hơn nhiều.

Đọc thêm