Siết quản lý xe khách

(PLVN) - Xe khách là một phương tiện được sử dụng để vận chuyển rất nhiều hành khách trên quãng đường dài liên tỉnh nên việc đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) cho hành khách và các phương tiện lưu thông khác là rất quan trọng. 
Xe khách từ 9 chỗ ngồi sẽ phải lắp đặt camera ghi hình tài xế và hành khách
Xe khách từ 9 chỗ ngồi sẽ phải lắp đặt camera ghi hình tài xế và hành khách

Nguy cơ gây tai nạn, cháy nổ

Hiện nay, có rất nhiều phương tiện giao thông lắp thêm đèn led hoặc thay đổi đèn chiếu sáng so với thiết kế nguyên bản của nhà sản xuất. Đây không chỉ là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn gây ảnh hưởng lớn tới việc lưu thông của các phương tiện khác, khiến những người đi ngược chiều bị lóa mắt, khó điều chỉnh được tay lái, thậm chí gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng khác.

Theo tìm hiểu, việc “độ”, “chế” đèn led phổ biến ở các phương tiện như xe tải, xe container đường dài và nhất là xe khách giường nằm. Không chỉ gắn ở đầu và đuôi xe, những người tài xế còn gắn lên cả nóc, mui, gầm xe và hai bên hông.

Khi lưu thông trên đường những chiếc xe này giống nhau những khối ánh sáng di động, to lừng lững chiếm đường đi của nhiều phương tiện khác. Điều này khiến tài xế đi ngược chiều đi rất chậm hoặc dừng lại tấp vào lề, còn tài xế đi sau không dám tiến lại gần và vượt.

Là thợ sửa chữa ô tô lâu năm, anh Trần Đức (Thái Nguyên) cho biết: “Hầu hết các bóng đèn led trên thị trường đều có cường độ ánh sáng là 6000k đến 6500k và đây là dải màu nhiệt cho ánh sáng trắng nhất trước khi chuyển dần sang màu xanh. Loại đèn này có giá trị cường độ lớn nó giống như ánh sáng vào buổi trưa hè nên khi nhìn thẳng vào luồng sáng này sẽ gây chói mắt”.

Được biết, hầu hết các tài xế khi lắp thêm đèn led vào ô tô ngoài mục đích trang trí chiếc xe của mình, khiến nó nổi bật hơn trên đường thì còn muốn tăng độ chiếu sáng khi lưu thông mà lại đơn giản và tiết kiệm nhất. Do đó xe tải, xe khách, xe bảy chỗ, bốn chỗ cũng “độ” rất nhiều.

“Ngay cả những chiếc có xe đời thấp, việc “độ” đèn chiếu sáng rất dễ gây cháy. Hơn nữa, các cửa hàng bán phụ tùng ô tô thường nhập các hàng gia công giá rẻ về, bán tràn lan trên thị trường để thu được lợi nhuận cao. Tiêu cự của những mặt hàng này thường thiết kế sai, bản chip led không tạo ra hiệu quả khi phản xạ vào chóa đèn làm cho ánh sáng không có độ chụm, chiếu sáng ngược lên trên và tỏa nhiều sang xung quanh”, anh Đức nói.

“Có rất nhiều cách để “chế” hay “độ” đèn led. Hầu hết các tài xế xe khách giường nằm hay gắn đèn led trước cabin. Họ đấu mạch với công tắc nháy đèn xin nhan hoặc còi xe. Do đó, khi bật công tắc xin đường hoặc bấm còi để vượt thì đèn sẽ chói vào các xe đi ngược chiều, gây ảnh hưởng rất lớn đến người điều khiển những phương tiện đó”, anh Hoàng Hải – một tài xế xe taxi chia sẻ.

Theo ông Trần Quốc Khánh - Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM, trước đây theo quy định tại Nghị định 46/2016, thì lực lượng chức năng chỉ xử phạt được các ô tô lắp thêm đèn led ở phía sau xe với mức từ 800.000 đến 1 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng bằng lái 1-3 tháng. Không thể xử phạt được các xe lắp thêm đèn phía trước, bên hông, dưới gầm vì Nghị định này không có quy định. 

Nhưng nay, theo Nghị định 100/2019 thay thế Nghị định 46/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020 thì việc xử phạt đã được mở rộng. Theo đó, các hành vi lắp thêm đèn led ở bất kỳ vị trí nào trên xe nếu sai thiết kế của nhà sản xuất gồm phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe… đều sẽ bị phạt (mức phạt vẫn giữ nguyên như Nghị định 46/2016).

 Nhưng để xử lý được các xe lắp thêm đèn thì quá trình kiểm tra rất cần sự phối hợp của cơ quan đăng kiểm cả con người và phương tiện kiểm tra. Vì chỉ có đăng kiểm viên mới xác định rõ được đâu là đèn lắp thêm, đâu là đèn của nhà sản xuất theo xe hoặc là loại bóng chiếu sáng mạnh lắp thay bóng nguyên thủy.

Bắt buộc lắp camera hành trình

Theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định 86/2014 quy định điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, từ tháng 7/2021, xe từ 9 chỗ ngồi trở lên kinh doanh chở khách phải gắn camera ghi hình tài xế và hành khách trên xe. 

Cụ thể, trước ngày 1/7/2021 ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe (bao gồm cả lái xe) trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép khi có yêu cầu.

Thời gian lưu trữ hình ảnh tại camera lắp trên xe tối thiểu 24 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly đến 500km; tối thiểu 72 giờ gần nhất đối với xe hoạt động trên hành trình có cự ly trên 500km. Việc bổ sung nội dung này nhằm đảm bảo an ninh, an toàn cho hành khách, đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý nhà nước. 

“Tôi thấy yêu cầu các nhà xe phải lắp camera hành trình là rất hợp lý và kịp thời. Mặc dù đã có luật cấm các xe không được chở hành khách quá tải nhưng trên thực tế mỗi lần tôi đi về quê, nhất là dịp lễ, tết thì tình trạng nhồi nhét khách trên đường vẫn xảy ra thường xuyên, hay thái độ của nhân viên trên xe đối với khách hàng chưa thực sự chuẩn mực.

Khi việc lắp camera trở thành điều bắt buộc thì lực lượng chức năng có thể giám sát các sai phạm của nhà xe như dừng trả khách sai quy định, chở quá lượng hành khách quy định. Và điều này cũng giúp các doanh nghiệp vận tải theo dõi được tài xế, phụ xe của mình tốt hơn để kịp thời xử lý”, một hành khách thường xuyên đi xe khách ở Hà Nội nói.

Đại diện một nhà xe chạy tuyến Hà Tĩnh – Bến xe Nước Ngầm cũng ủng hộ quy định trên: “Việc lắp đặt camera giám sát cho xe khách không còn quá xa lạ gì đối với một người làm chủ một hãng xe giường nằm chạy tuyến cố định nữa, hầu hết các hãng xe lớn đều đã thực hiện. Khi lắp đặt camera xong, ngoài những lợi ích trong việc giám sát và quản lý xe tốt hơn, tôi thấy lợi ích lớn nhất là nhà xe chúng tôi được khách hàng tin tưởng và ủng hộ hơn rất nhiều vì tính chuyên nghiệp của mình”.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu quy định lắp đặt camera để ghi hình lái xe và trên xe. Theo Phó Thủ tướng, việc lắp đặt camera để ghi hình, lưu trữ hình ảnh của lái xe và trên xe là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho hành khách và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước.

Nghị định 10/2020/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2020 quy định không bắt buộc xe hợp đồng điện tử phải gắn hộp đèn, nhưng tại điểm a Điều 7 quy định: Xe hợp đồng phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết các thông tin khác trên xe. Cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau xe; với kích thước tối thiểu của cụm từ “XE HỢP ĐỒNG” là 06 x 20cm.

Đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử phải có giao diện phần mềm cung cấp cho hành khách hoặc người thuê vận tải phải thể hiện đầy đủ các thông tin về tên hoặc biểu trưng (logo), số điện thoại để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp của đơn vị kinh doanh vận tải và các nội dung tối thiểu theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Nghị định này. 

Đồng thời, phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến tài khoản giao kết hợp đồng của hành khách, người thuê vận tải và gửi thông tin hóa đơn điện tử về cơ quan thuế theo quy định. Thực hiện lưu trữ dữ liệu hợp đồng điện tử tối thiểu 3 năm. Lái xe kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử có trách nhiệm cung cấp các thông tin của hợp đồng điện tử cho lực lượng chức năng khi có yêu cầu.

Đọc thêm