Tại sao các cổ động viên U23 không được sang Trung Quốc?

(PLO) - Sau khi Đội tuyển U23 đã về quê nhà thì nhiều cổ động viên sang Trung Quốc cổ vũ vẫn bị kẹt lại và tới ngày 29/01 mới về. Trước đó, có thông tin là nhiều cổ động viên không sang được Thường Châu và họ cho rằng công ty du lịch đã “lừa họ”. Vậy thực hư câu chuyện ra sao?
Sân bay Bôn Ngưu (TP Thường Châu) sáng 27/01.
Sân bay Bôn Ngưu (TP Thường Châu) sáng 27/01.

Thời tiết không chiều lòng người

Dù đã có các dấu hiệu cảnh báo từ nhiều ngày trước về nhiệt độ quá lạnh ở Giang Tô nhưng sau ngày 23/01 tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng với tuyết rơi rất nhiều và mật độ cực dày. Tuy nhiên, các cổ động viên Việt Nam rất nhiệt tình, sẵn sàng bất chấp tất cả và hy vọng thời tiết sẽ ấm hơn để được trực tiếp đến cổ vũ cho Đội tuyển U-23 trong trận chung kết lịch sử.  Để đáp ứng nguyện vọng này, nhiều công ty du lịch lữ hành của Việt Nam (chủ yếu ở Hà Nội) đã nỗ lực tối đa để đưa thật nhiều cổ động viên sang cổ vũ cho Đội tuyển dù biết trước sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Nhưng thời tiết ở Trung Quốc thực sự đã không chiều lòng người trong thời khắc lịch sử. Sáng ngày 26/01, những cơn bão tuyết lớn đã bất ngờ trở lại tỉnh Giang Tô và đây là cơn bão tuyết lớn nhất trong suốt gần 20 năm qua. Các sân bay Lộc Khẩu (Nam Kinh), Thạc Phóng (Vô Tích) và cả Phố Đông (Thượng Hải) đều bị tê liệt không thể tiếp nhận các chuyến bay đến và đi như lịch bay thường ngày. Các thông tin này chỉ được các cơ quan hữu quan của Trung Quốc chính thức công bố vào gần trưa cùng ngày khi mà hàng nghìn cổ động viên Việt Nam đã khởi hành tới các điểm trung chuyển ở cửa khẩu biên giới hoặc trên lãnh thổ Trung Quốc.

Không chỉ các chuyến bay bị hủy bỏ mà hệ thống đường bộ, đường cao tốc cũng cấm các phương tiện di chuyển hoặc giới hạn ở tốc độ trên dưới 30 km/h do điều kiện lưu thông quá nguy hiểm với mặt đường trơn trượt vì tuyết rơi dày.  Mọi ngả đường tới Thường Châu trong ngày 26 và sáng ngày 27/01 đều gần như bị bế tắc. Nhưng sức nóng từ các cổ động viên Việt Nam vẫn không hề giảm khi thời khắc lịch sử của trận chung kết ngày một tới gần. Điều này đã khiến họ vô cùng nôn nóng, căng thẳng và thậm chí bực tức vì không thể di chuyển như chương trình đã định.

Hệ thống tàu cao tốc bi tê liệt ở tỉnh Giang Tô sáng 28/01 (ảnh Hòn Gai Tour).
Hệ thống tàu cao tốc bi tê liệt ở tỉnh Giang Tô sáng 28/01 (ảnh Hòn Gai Tour). 

Quyết định kịp thời vì an toàn cho các cổ động viên

Đi tiếp hay dừng lại là một thách thức không hề nhỏ đối với các đơn vị tổ chức tour đến Thường Châu. Hầu hết các cổ động viên chỉ nghĩ đến trận chung kết bằng tất cả lòng nhiệt thành của mình mà không lường trước hết được vô vàn khó khăn sẽ gặp phải khi đến được đó và cả trong hành trình trở về.

Đây là thời khắc cần những quyết định chính xác vì sự an toàn của con người, của các cổ động viên Việt Nam là quan trọng nhất. Rất may mắn là đã có một số đơn vị du lịch nhiều kinh nghiệm quyết định hủy tour dù biết sẽ phải chịu thiệt hại rất nặng nề về kinh tế, phải hứng chịu những phản ứng tiêu cực và bức xúc gay gắt nhất thời từ các du khách - cổ động viên. 

Như lời chia sẻ của ông Đỗ Xuân Nguyên (Phó Tổng Giám đốc Hòn Gai Tours và cũng là một cổ động viên bóng đá rất nhiệt thành) ngay tại Cửa khẩu Hữu Nghị: Thủ tục visa du lịch theo đoàn vào Trung Quốc là rất bình thường và diễn ra thuận tiện hàng ngày. Nhưng trưa ngày 26/1, tôi đã buộc phải quyết định đưa đoàn khách của mình quay trở về lại dù vừa xuất cảnh khỏi Việt Nam sau khi các thông tin bằng tiếng Trung về thời tiết xấu dồn dập được công bố.

Công ty chúng tôi thường xuyên đưa và đón hàng chục du khách cả Việt Nam lẫn Trung Quốc qua lại giữa hai nước mỗi ngày nên tôi hiểu rất rõ tình hình. Nhất là các cổ động viên cao tuổi và trẻ em trong đoàn sẽ cực kỳ nguy hiểm về sức khỏe khi sang bên đó vào lúc này. Rất tiếc nhưng vẫn phải quay về thôi...”.

Tuy nhiên, vẫn còn những công ty du lịch khác cố gắng tiếp tục đưa du khách đến Thường Châu bằng mọi giá, mọi phương cách. Những đoàn cổ động viên đi đường bộ qua cửa khẩu vào sáng ngày 26/01 thì còn có thể dừng lại và kịp quay về nhà trước trận chung kết. Nhưng những đoàn khởi hành từ Việt Nam bằng đường hàng không tới Thượng Hải và Quảng Châu thì hầu như không nắm được thông tin thời tiết mới nhất lúc trưa ngày 26/01...

Theo lãnh đạo một công ty du lịch tổ chức Tour đi này cho biết: Sau trận đấu, tất cả mọi người Việt Nam và cả châu Á đều muốn mau chóng trở về nhà. Nhưng những gì sau đó ở Trung Quốc cũng khủng khiếp không kém.

Các sân bay ở Giang Tô và Thượng Hải tiếp tục ngưng hoạt động suốt cả ngày 28/01 cho đến sáng 29/01. Rất nhiều nhà hàng, khách sạn  tại những nơi này đều đóng cửa cả ngày hoặc từ rất sớm nên mọi sinh hoạt tối thiểu của các cổ động viên đều trở nên vô cùng khó khăn. Trong khi đó, các tuyến đường bộ cũng vẫn phủ đầy tuyết trắng hoặc tuyết đang tan rất trơn và nguy hiểm để di chuyển. Phải đến gần trưa ngày 29/01 các sân bay nêu trên mới bắt đầu mở lại các chuyến bay để những cổ đông viên Việt Nam được trở về nhà trong sự mệt mỏi đến rã rời. 

Còn về phía các công ty du lịch Việt Nam đã tổ chức tour thì là cả một sự ngao ngán lớn dẫu biết rằng đây là sự cố rủi ro bất khả kháng. Họ phải chịu thiệt hại nghiêm trọng từ tất cả các chi phí phát sinh do hủy chuyến và đổi giờ bay, chi phí ăn uống và lưu trú cho du khách mà không hề được các đối tác bên Trung Quốc chia sẻ. Còn các công ty đã quyết định hủy tour từ ngày 26/01 thì cũng đã hoàn trả 100% tiền cho du khách và tự chi trả mọi chi phí khác của du khách.

Đọc thêm