Tàu bay hạ cánh tại Sân bay Nội Bài, bùn, nước phụt lên

(PLO) - Đường băng 1B Sân bay quốc tế Nội Bài trước chỉ dành khai thác tàu bay Boeing 747 trở xuống, tải trọng phù hợp. Nhưng nay tần suất bay dày, các tàu bay lớn về nhiều khiến đường băng không chịu nổi.

Theo nguồn tin của PLVN, các cơ quan chức năng, đơn vị có trách nhiệm quản lý sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã nhiều lần báo cáo, thậm chí báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị sữa chữa đường băng ở 2 sân bay nói trên.

Theo kiến nghị, do khai thác vượt tần suất và thiết kế, đường băng 07L/25R của Sân bay Tân Sơn Nhất đã xuất hiện nhiều rạn nứt, mặt đường bê tông nhựa bị biến dạng, hằn vệt bánh xe theo vệt lăn của càng máy bay.

Tại Hà Nội, đường băng 1B của Sân bay quốc tế Nội Bài có nhiều điểm bị bong bật, nứt vỡ tấm bê tông xi măng, khe co giãn bong vật liệu chèn khe. Một số tấm bê tông xi măng bị lún.

Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng xem xét bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ. Dự kiến, cần gần 4.500 tỷ đồng để thực hiện nâng cấp các hạng mục nói trên. 

Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi các kiến nghị được phê duyệt, các đơn vị quản lý, vận hành sân bay đã có nhiều cách làm khác nhau để vẫn đảm bảo an toàn bay.

Trao đổi với PLVN về vấn đề này, ông Vũ Ngọc Kiệm - Phó Giám đốc Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cho biết thêm, đường băng 1B hỏng hóc do khai thác đã hơn 12 năm.

Trước đây đường băng 1B chỉ khai thác tàu bay Boeing 747 trở xuống, tải trọng phù hợp nhưng hiện nay tần suất bay lớn, các tàu bay to về nhiều. Dù tải trọng không vượt quá nhưng áp lực trên đường cất hạ cánh tăng, do đó đường băng xuống cấp rất nhanh.

Biểu hiện chính là xuất hiện các điểm bị phụt bùn cục bộ; dưới bề mặt bê tông bị nước xâp nhập; khi tải lớn và cường độ bay cao, khí hậu miền Bắc lại nắng mưa thất thường nên những hư hỏng cục bộ này lại xuất hiện. Cụ thể, mỗi lần máy bay cất, hạ cánh thì bị phụt bùn, nước lên.

Ông Kiệm cũng cho biết, trước mắt để đảm bảo bay an toàn, Cảng vẫn đang nỗ lực làm bằng các vật liệu cơ bản đặc biệt để bơm giữ nền tránh phụt bùn lên gây phá xung quanh. Việc bơm này diễn ra thường xuyên nhưng không bơm khắp khu vực được mà chỉ bơm khắc phục cục bộ. Vì thế, thực tế này dễ dẫn đến chuyện bơm được chỗ này thì chỗ khác lại phát sinh.

“Quy trình bơm khắc phục phụt bùn, phụt nước đã lặp đi lại lặp rất nhiều lần, gây rất nhiều mệt mỏi cho Cảng, nhưng cái chính đây chỉ là biện pháp khắc phục trước mắt, không mang tính vững chắc. Muốn vững chắc, lâu dài thì phải tháo dỡ ra để làm lại nền và gia cố lại tải lớn hơn thì mới đảm bảo được”, lời Phó Giám đốc Kiệm.

Đọc thêm