Thông xe cầu Thăng Long: Giải tỏa “điểm nghẽn” giao thông phía Bắc Thủ đô

(PLVN) - Sau 150 ngày sửa chữa, hôm nay (7/1), cầu Thăng Long (Hà Nội) chính thức  thông xe trở lại, giải tỏa “điểm nghẽn” giao thông phía Bắc Thủ đô nhiều tháng qua.
Công nghệ bê tông siêu tính năng UHPC được ứng dụng để sửa chữa cầu Thăng Long.
Công nghệ bê tông siêu tính năng UHPC được ứng dụng để sửa chữa cầu Thăng Long.

Tốc độ tối đa 80km/h

Dự án sửa chữa cầu Thăng Long sau khi hoàn thành giúp các phương tiện lưu thông với tốc độ tối đa là 80km/h. Việc thông xe cầu Thăng Long có ý nghĩa quan trọng, góp phần giải tỏa các phương tiện giao thông từ nội thành Hà Nội đi ra phía Bắc Thủ đô; nhất là việc di chuyển đến sân bay Nội Bài được thuận lợi.

Khoảng 5 tháng nay do cầu Thăng Long đang trong quá trình sửa chữa, các phương tiện từ khu vực Mỹ Đình, Hà Đông, Từ Liêm, Cầu Giấy… muốn di chuyển lên khu vực phía Bắc phải vòng lên hướng cầu Nhật Tân, cách cầu Thăng Long vài km, bất tiện và phát sinh thêm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, khu vực này thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông, tạo thành “điểm nghẽn” mới của  Hà Nội do các phương tiện dồn về đông, nhất là các giờ cao điểm trong ngày và dịp lễ Tết Dương lịch vừa qua. “Việc thông xe cầu Thăng Long trước Tết Nguyên đán hơn 1 tháng lại càng có ý nghĩa hơn vì đây là thời điểm người dân đi lại rất nhiều”, đại diện Bộ GTVT cho biết.

Trước đây khoảng hơn 1 tháng, việc hoàn thành và thông xe đường vành đai III đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được coi là không có nhiều ý nghĩa khi cầu Thăng Long chưa được sửa xong. Nay cầu Thăng Long được thông xe, dự án cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long thật sự được phát huy hiệu quả. 

Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), trước khi cầu Thăng Long được sửa chữa, công nghệ nào được áp dụng để cầu bền đẹp là một thách thức. Sau gần 2 năm chuẩn bị chuyển giao công nghệ và 6 tháng tiến hành sửa chữa, mặt cầu Thăng Long đã hoàn thành, đảm bảo chất lượng và vượt tiến độ khoảng 10 ngày. “Khả năng chịu lực của cầu Thăng Long sẽ tăng gấp 3 lần so với trước khi sửa”, ông Huyện khẳng định.

Công nghệ mới, độ bền cao 

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ, nội dung sửa chữa mặt cầu Thăng Long lần này là tăng cường mặt cầu thép hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ - liên hợp giữa bản mặt thép hiện tại với bê tông siêu tính năng UHPC, có kết hợp sử dụng lớp phủ bê tông nhựa siêu mỏng tạo nhám, liên kết giữa bản mặt thép hiện tại và bê tông siêu tính năng. Liên kết này được thực hiện bằng đinh neo tiêu chuẩn dài 5cm và lưới cốt thép. Tổng cộng đã có 1,5 triệu đinh neo được hàn trên bản mặt cầu. Thời gian để hàn xong một đinh neo từ 0,4 - 06 giây.

Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), các chuyên gia, kỹ sư của Việt Nam đã làm chủ được công nghệ bê tông siêu tính năng UHPC - công nghệ được sử dụng để sửa chữa cầu Thăng Long. Công nghệ bê tông mới này tốt hơn công nghệ bê tông thường khoảng 3 lần, có độ bền trên 30 năm. Công nghệ này cũng sẽ được áp dụng để triển khai ở nhiều dự án sửa chữa các công trình giao thông khác. 

Về lớp bê tông nhựa mới được phủ trên mặt cầu, theo ông Sỹ, tùy thời tiết và lưu lượng xe qua lại, lớp nhựa này có tuổi đời từ 5 - 10 năm. 

Theo tìm hiểu của PLVN, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long có tổng mức đầu tư 269,3 tỷ đồng, bằng nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ. Chủ đầu tư là Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Nhà thầu trúng thầu thi công là Liên danh Thành Hưng – Vĩnh Hưng – Phương Thành – Thuận An. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, sau đợt sửa chữa lần này, cầu phải được sử dụng tốt ít nhất trong 10 năm.

Cầu Thăng Long (Hà Nội) bắc qua sông Hồng được xây dựng năm 1974, đưa vào sử dụng năm 1985. Nhịp chính cầu dài 1.680m, gồm 15 nhịp giàn thép, với 2 tầng dành cho ô tô ở trên và đường sắt ở dưới. Từ sau lần sửa chữa lớn mặt cầu dành cho ô tô năm 2009, các hư hỏng trên bề mặt cầu chưa được khắc phục triệt để.

Theo chuyên gia, nguyên nhân do bản thép mặt cầu không đáp ứng độ cứng, độ bám dính giữa lớp nhựa phủ Asphalt với mặt cầu thấp, tải trọng khai thác vận tải lớn với mật độ cao. Năm 2019-2020, dự án nghiên cứu, thi công sửa chữa mặt cầu được triển khai. Đến nay, dự án sửa chữa đã xong và cầu được đưa vào sử dụng.

Đọc thêm