'Thót tim' cứu hộ giao thông

(PLO) - Những lần “cứu” những chiếc xe chở các loại hóa chất nguy hiểm như gas, xăng dầu, a xít…, nếu không cẩn trọng thì mất mạng như chơi. Khó khăn, hiểm nguy là thế, nhưng làm nghề cứu hộ giao thông, theo cách nói của anh Tiền, nó là cái nghiệp.
Cảnh cứu hộ trên xa lộ
Cảnh cứu hộ trên xa lộ

Cứu hộ giao thông là công việc mà những người trong nghề có thể được gọi là những “anh hùng xa lộ”. Những người gắn bó với nghề thường nói vui “nghề này là nghề đâu cần thanh niên có, là nghề chuyên làm những việc khó, là nghề tác chiến trong bất kỳ địa hình nào, bất kể đêm ngày, bất kể mưa nắng”. 

Cách nói ví von có vẻ nhẹ nhàng, nhưng thực tế tính chất của công việc cứu hộ cũng lắm gian nan.

“Vị cứu tinh” xa lộ

Không chờ tới lúc bình minh, không quản ngại mưa gió bão bùng, chỉ cần một tiếng cầu cứu trong đêm là những chiếc xe đặc dụng màu vàng lại nổ máy lên đường. Công việc cứu hộ không có thời gian cụ thể, yếu tố nhanh nhưng phải chắc chắn được đặt lên hàng đầu.

Túc trực 24/24 giờ trong ngày, các cứu hộ viên luôn phải lắng nghe tín hiệu cần cứu hộ để sẵn sàng tác chiến. Cứu hộ viên như “con thoi”, vừa đi chuyến này xong, lại phải đi ngay chuyến khác, có vụ tai nạn ở mãi trong vùng sâu như Điện Biên Đông hoặc Mường Tè (Lai Châu)… thì chuyện họ nhịn đói ăn mì tôm là chuyện thường ngày.

2h sáng, một cuộc gọi tới trung tâm cứu hộ, một giọng nam vang lên run run ở đầu dây bên kia. “Chiếc xe tải 18 tấn của em chở sắn khô bị đổ ở QL37, trên đèo Khế, địa phận huyện Sơn Dương,Tuyên Quang. Xe lao qua taluy, đổ ngửa bên mép vực. Các anh đến ngay nhé!”. Một đội cứu hộ gồm 4 người nhận nhiệm vụ. Đèn pha sáng rực, chiếc xe cứu hộ lao đi trong màn sương dày đặc.

Hơn 5 giờ sáng, họ có mặt ở đèo Khế, nơi chiếc xe gặp nạn nằm “chỏng vó” bên vực núi. Nét mặt ai cũng căng thẳng, vẻ thấm mệt hiện trên khóe mắt không ngủ nơi núi rừng lạnh lẽo.

Nhân viên giám định bảo hiểm của chiếc xe cũng đã tới, mọi người khẩn trương bàn bạc, thống nhất phương án cứu hộ: Không làm hỏng thêm chiếc ô tô có giá 800 triệu đồng này, không để tắc đường, sau khi trục chiếc xe lên cần sửa chữa nhanh để xe tự chạy được.

Các dây bạt mềm có sức kéo 15 tấn được buộc vào những điểm chịu lực chính. Những sợi xích hợp kim chuyên dùng cho cứu hộ xe tải được móc vào thành xe, nhiều điểm cọ xát với thành xe được nhân viên cứu hộ đệm một lớp vải dày tránh làm xước sơn.

Những người có mặt tại hiện trường nín thở, hồi hộp chờ đợi phút giây chiếc xe cứu hộ như “anh chàng khổng lồ” kéo “người bạn” đứng dậy. Từ xe cứu hộ, 3 đường cáp được đặt vào 3 điểm trên chiếc xe đổ để việc cứu hộ đạt an toàn tối đa. Mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất.

Chiếc xe 18 tấn được nâng lên chầm chậm trong tiếng cổ vũ vọng vào những tán cây xanh nằm im trong sương núi. Khi dàn bánh dính đầy bùn đất từ từ chạm mặt đường, việc cứu hộ hoàn thành giai đoạn 1.

Các cứu hộ viên cho “chàng khổng lồ” lùi vào sát chiếc xe 18 tấn, dùng càng nâng chuyên dụng nhấc bổng nửa xe phía sau đang bị thụt xuống một hố đất để kéo ra một bãi phẳng để chữa động cơ. Sau 30 phút kiểm tra, động cơ đã được khởi động lại, chiếc xe đã có thể tự lăn bánh tiếp tục hành trình.

Tiếng hò reo, vui mừng vang lên. Sau lời cảm ơn và cái bắt tay siết chặt, chiếc xe cứu hộ lặng lẽ quay trở về Hà Nội để rồi lại sẵn sàng đi theo lệnh điều động mới. Theo anh em cứu hộ, những trường hợp như ở đèo Khế là dạng đơn giản và diễn ra thường ngày. Nhiều pha rất phức tạp, nguy hiểm cho cả người và xe cứu hộ phải mất rất nhiều thời gian, làm nhiều phương án cứu hộ mới thành công.

“Nếu không có xe cứu hộ, khi xe gặp sự cố hay tai nạn thì tài xế không thể làm được gì. Loại phương tiện này không chỉ giải cứu ở những trường hợp xe hư hỏng thông thường, mà còn đặc biệt quan trọng trong công tác ứng cứu khi có tai nạn, cứu mạng người bị nạn và làm giảm ùn tắc giao thông tại hiện trường”, anh Nguyễn Ngọc Quân (ở Xuân Phương, Nam Từ Liêm, Hà Nội - một chủ xe từng được sự trợ giúp của đội cứu hộ) nhấn mạnh tầm quan trọng của loại hình dịch vụ trên.

Nghề đa năng

Cũng giống như ôtô, xe cứu hộ được phân ra làm 3 hạng: Hạng nặng (trên 10 tấn), hạng trung (dưới 10 tấn), và hạng nhẹ (dưới 5 tấn). Đồng thời, phụ thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ, người ta cũng chia ra thành 3 loại như sau: Xe kéo nâng, xe có sàn chở và xe có cần cẩu.

Tính chất công việc cứu hộ là trợ giúp một cách kịp thời vì vậy người cứu hộ cần đa năng, loại xe nào cũng phải biết lái.

Anh Phan Huy Minh, người đã có thâm niên hơn 10 năm trong đội cứu hộ giao thông 116  giải thích, nghề này không chỉ đòi hỏi người lính cứu hộ phải biết lái ô tô mà phải hiểu cặn kẽ nhiều loại xe khác nhau. Chẳng hạn, nếu là xe tải, xe kéo thì phải nắm chắc nguyên tắc truyền động lực của loại xe này chủ yếu là cơ học. Khi cứu hộ phải biết xả lốc, tháo phanh hoặc tháo cầu.

Ngược lại, nếu gặp một chiếc xe hơi đời mới, người làm cứu hộ phải có cách ứng xử khác. Loại xe này rất hiện đại, chủ yếu là điều khiển điện tử, số tự động, vì vậy người làm cứu hộ phải có kiến thức về lĩnh vực này.

Chiếc xe là tài sản, cứu hộ không chuyên nghiệp có thể khiến chiếc xe tồi tệ hơn. Với ôtô số tay, loại này khá đơn giản nên chỉ cần xe cứu hộ kéo nâng là đủ.

Nhưng với xe số tự động, nếu công tác cứu hộ không tuân thủ khuyến cáo của nhà sản xuất in trong hướng dẫn sử dụng hoặc dán ngay trên kính xe thì sẽ có thể dẫn đến hư hỏng trong hộp số, mà trường hợp nghiêm trọng có thể làm cháy hoặc phá hủy hộp số tự động.

“Các loại xe đời mới hiện nay, đôi khi xảy ra sự cố làm cả bốn bánh đều không chạy được nên phải có xe sàn chở. Công đoạn đưa xe gặp sự cố lên sàn vô cùng phức tạp. Muốn đưa xe lên sàn thì trước hết phải đổ bọt xà phòng cho trơn mới có thể kéo hẳn xe lên. Rồi sau đó cố định xe nằm an toàn trên sàn”, anh Minh cho biết.

“Chủ các xe cao cấp khá kén chọn. Xe hư hỏng dọc đường, họ không bao giờ cho “thợ vườn” can thiệp mà muốn con người và thiết bị kéo chuyển về phải “có nghề” để không làm biến dạng “cả đống tiền” của họ. Nếu non nghề dễ bị bồi thường do làm hư hại xe của người ta. Vui nhất là khi hoàn thành công việc, tài sản của khổ chủ không bị “bầm dập” trong quá trình di chuyển”, anh Minh tiếp lời.

Những người tham gia cứu hộ phải hội tụ các tố chất như là một người thợ, một người tư vấn và biết xử lý những tình huống xảy ra... Ngay khi nhận được tín hiệu kêu cứu từ hiện trường, nhân viên cứu hộ phải xử lý thông tin về sự cố như vị trí tai nạn, có thương vong không, loại xe gì, số sàn hay số tự động, xe tải hay xe du lịch nhẹ... để từ đó điều loại xe cứu hộ nào đi cho đạt hiệu quả cao nhất.

“Thông thường, các cứu hộ viên đều tư vấn qua điện thoại cho họ trước, nếu khách hàng không tự khắc phục được sự cố, đội cứu hộ mới điều xe đến để tránh tốn kém cho khách hàng. Nhiều người đi xe mà cũng không biết lốp dự phòng đặt chỗ nào nữa. Gặp những trường hợp như thế thì chúng tôi tư vấn miễn phí ngay cho khách hàng”, anh Minh nói.

Trên đường tới hiện trường, lực lượng cứu hộ thường trao đổi những “kịch bản” có thể xảy ra, tránh mất thời gian. Sự cố có muôn hình vạn trạng nên bắt buộc đội ngũ làm công tác cứu hộ phải linh hoạt, nhanh nhẹn, sáng tạo trong cách xử lý.

Tuy nhiên, để việc cứu hộ được thuận tiện, anh Minh cho rằng người tài xế cần lưu ý thông báo tình trạng cụ thể cho đơn vị cứu hộ, đặc biệt khi xe gặp sự cố nặng như bị sa lầy, bị kẹt trong các hố, rơi xuống ao hồ, khe núi… để đơn vị cứu hộ điều động xe cứu hộ có cần cẩu và sử dụng các dây cứu hộ bằng vải để an toàn cho xe được cứu hộ.

“Không lợi dụng người gặp nạn để trục lợi”

Vào mùa mưa lũ, vẫn thường xảy ra tình trạng “cháy” xe cứu hộ. Như đã thành lệ, mỗi trận mưa to, nhiều tuyến phố của Hà Nội lại chìm trong biển nước. Từ đầu mùa mưa đến nay, Hà Nội đã xảy ra nhiều trận ngập, khiến cho nhiều“bốn bánh” bị ngập trong nước.

Điện thoại của Đội xe cứu hộ không kịp trả lời khi có tới hàng trăm cuộc gọi. Cao điểm là vào lúc 22h đến 24h, khách hàng gọi điện la lối vì họ phải chờ đợi. Hàng chục chiếc ôtô đi vào phố Hàng Chuối, Lý Thường Kiệt, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Đình Hổ, Lĩnh Nam, gầm cầu Thanh Trì… bị chết máy.

Theo các nhân viên cứu hộ, giải cứu xe bị ngập nước vất vả hơn là cứu hộ bình thường do trời mưa ướt, thêm phần kẹt xe, đặc biệt khi cứu hộ ngập nước vào ban đêm lại càng phức tạp hơn. Khi cứu hộ xe ngập nước, ưu tiên hàng đầu phải là cách điện, hạn chế tối đa sự chập điện gây hư hỏng các thiết bị khác.

Các xe cứu hộ mua từ nước ngoài về đều phải gia cố lại phần khung kéo phía sau để phù hợp với các loại xe, điều quan trọng hơn nữa là độ lại hệ thống hút gió để tăng cường mức lội nước được sâu hơn. Nếu xe không xử lý lại thì nhiều đoạn đường ngập nước sâu sẽ không thể “lội” vào để cứu xe chết máy được, lúc đó chính xe cứu hộ cũng phải nhờ xe khác “cứu”.

Anh Phan Huy Minh chia sẻ: “Chỉ cần cứu hộ chậm trễ, do dự một chút là có thể ảnh hưởng tới tình hình giao thông xung quanh nơi xảy ra sự cố”.

Anh Minh nhớ lại một vụ tai nạn kinh hoàng tại ngã tư Sài Đồng, Hà Nội. Chiếc xe chở gần 40 tấn hàng chạy từ hướng Hải Phòng về Hà Nội đi sai làn đường, đâm vào một phụ nữ khiến người này chết tại chỗ.

Ngay sau đó, vụ tai nạn thương tâm đã gây ùn tắc trên QL5 đến gần khu vực Phố Nối, Hưng Yên. Nhận được tin cầu cứu, lực lượng cứu hộ có mặt và sau 15 phút tác nghiệp, xe cộ có thể lưu thông được bình thường.

“Giao thông như mạch máu trong cơ thể con người, nếu một sự cố xảy ra là kéo theo phản ứng dây chuyền, lúc này vai trò của cứu hộ giao thông là rất cần thiết. Chúng tôi tự hào khi giúp giao thông ổn định lúc sự cố xảy ra”, anh Minh chia sẻ.

Có những vụ cứu hộ khá hy hữu như vụ một chiếc máy xúc 35 tấn bị chìm xuống hố bom ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, khiến cho 4 đơn vị cứu hộ đều bó tay vì càng kéo thì xe càng chìm sâu dưới bùn.

Cuối cùng, Đội cứu hộ của anh Minh phải dùng xe chuyên dụng, vận dụng kinh nghiệm mới lôi được “con khủng long” lên khỏi vũng bùn.

Còn nhớ, trận lụt tại Hà Nội năm 2008, một số tuyến đường ngập nặng khiến giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình hình đó, đội xe cứu hộ của anh Minh chở miễn phí người và xe. Sau đó, Minh và các anh em nhận được rất nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn cảm ơn từ người đi đường. Kỷ niệm vui ấy giúp các anh yêu nghề hơn.

Để theo được nghề và hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh Minh quan niệm, người làm nghề cứu hộ phải biết vượt qua chính mình, đề cao trọng trách cứu giúp, hỗ trợ những người gặp nạn; đặc biệt phải giữ vững nguyên tắc không lợi dụng hoàn cảnh bối rối của người gặp nạn để trục lợi.

Đã mang lấy nghiệp vào thân...

Có những trường hợp phương tiện bị kẹt dính vào nhau, còn có cả người ở trong đó nên việc cứu hộ phải được thực hiện một cách cẩn trọng, tránh gây thương tích cho người bị nạn còn kẹt lại. Mỗi trường hợp tai nạn là một hiện trường khác nhau nên sự linh hoạt khi cứu hộ của nhân viên là rất cần thiết.

“Đau lòng hơn cả là khi phải chứng kiến những cái chết thương tâm. Có lần chúng tôi được giao đi kéo chiếc xe khách hiệu Ford Trannsit rơi xuống vực trên Quốc lộ 6, thành xe bị bẹp rúm, có đến 6 tử thi kẹt trong xe, vì thế, chúng tôi đã phải đóng cọc, dùng dây cáp cố định một bên thành xe lại, bên kia móc cáp để giật thành xe còn lại ra.

Sau hàng giờ loay hoay cũng đưa được các nạn nhân ra ngoài. Tuy nhiên lúc đó các nạn nhân đã không còn nguyên vẹn nữa”, anh Phan Huy Minh cho biết.

Tài xế Lê Anh Tuấn (quê Cao Bằng) cho biết, Tuấn làm công việc cứu hộ giao thông từ năm 2004, trước đó dù đã từng lái xe tải, xe ben, xe bánh xích, rồi xe cẩu, nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác hãi hùng khi đi “giải cứu” những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Số là khi đi cứu hộ vụ tai nạn ở Lạng Sơn, Tuấn không chỉ cẩu xe, kéo xe, mà còn phải dùng xe của mình móc cáp vào để xé cabin đưa nạn nhân nằm kẹt bên trong ra khỏi xe. Khi kéo được chiếc ca bin ra thì cơ thể những nạn nhân cũng rời mỗi nơi một mảnh, hình ảnh ấy cứ ám ảnh Tuấn suốt tuần.

Anh Bùi Xuân Tiền (quê Phù Cừ, Hưng Yên) kể về vụ tai nạn vào lúc 11 giờ đêm ngày 26 Tết mà anh từng trực tiếp ứng cứu. Những ngày cuối năm, trời đen như mực, tại khu vực Đồng Văn, Hà Nam, một chiếc xe môtô có 4 người trên xe đi trái đường đâm vào chiếc xe ôtô 3,5 tấn chở thức ăn chăn nuôi chạy về hướng Hưng Yên.

Vụ tai nạn khiến cả 4 người chết tại chỗ, trong đó có 2 người là chị em ruột. Nhận được yêu cầu cứu hộ, một mình anh Tiền lên đường.

Một cảnh tượng rất thương tâm bày ra trước mắt, 2 nạn nhân được khâm liệm tại chỗ, còn 2 người được đưa trực tiếp về nhà làm tang lễ, tiếng kêu khóc cuốn vào từng cơn gió bấc khiến lòng người thắt lại. Giấu niềm thương cảm trong lòng, anh Tiền phối hợp cùng cơ quan chức năng tiến hành nhanh công tác cứu hộ, trả lại sự thông thoáng cho tuyến đường.

“Rất nhiều trường hợp tử vong vì vi phạm Luật Giao thông, có những người chết khi còn rất trẻ. Không ít vụ có nhiều người chết cùng lúc, mình còn phải tham gia ứng cứu tai nạn, thậm chí huy động phương tiện của mình đưa nạn nhân đi cấp cứu…

Giá như mỗi người ý thức hơn khi tham gia giao thông, vì sự an toàn của bản thân và mọi người thì sẽ không xảy ra những tai nạn thương tâm như vậy”, anh Tiền chua xót nói.

Theo anh Tiền, nếu không có thần kinh “thép” thì cứu hộ viên rất khó vững vàng tâm lý khi tác nghiệp. Có nhiều người đã giải nghệ ngay sau một vài lần đi cứu hộ, vì nỗi không thể vượt qua cảm xúc, nỗi ám ảnh về những vụ va chạm, tai nạn thảm khốc, những cái chết thương tâm trên đường.

Mặt khác, cũng theo anh Tiền, người làm nghề cứu hộ thường xuyên phải đối mặt với những tình huống sinh tử. Đặc biệt, dù làm việc trong môi trường đặc thù, gặp nhiều nguy hiểm nhưng nghề cứu hộ giao thông lại hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, chưa được xem xét tới đặc thù nghề nghiệp như xe cứu hỏa, xe hộ đê, xe cứu thương...

“Một lần, chiếc xe cứu hộ của chúng tôi đang “xuống tấn” lôi xe cẩu lâm nạn dưới vực lên thì bất ngờ từ trên đỉnh đèo Cón (thuộc xã Thu Cúc, huyện vùng cao Tân Sơn, Phú Thọ), một chiếc xe tải khác… mất phanh, ầm ầm lao xuống.

Hai nhân viên đang điều khiển xe cứu hộ thấy tình huống khẩn cấp thì không còn cách nào khác, buộc phải lao mình đại xuống vực, tránh chiếc xe tải Hyundai. Rất may, dưới vực là đồi chè, nên một người bị sái chân, còn người kia trầy da”, anh kể.

Đó là chưa kể những lần “cứu” những chiếc xe chở các loại hóa chất nguy hiểm như gas, xăng dầu, a xít…, nếu không cẩn trọng thì mất mạng như chơi. Khó khăn, hiểm nguy là thế, nhưng làm nghề cứu hộ giao thông, theo cách nói của anh Tiền, nó là cái nghiệp:

“Nghĩa vụ cứu người đã giúp tôi vượt qua sự sợ hãi của bản thân, và bây giờ nghề cứu hộ đã trở thành nghiệp của tôi rồi”.

Được biết, Trung tâm cứu hộ của anh không chỉ lo cứu nạn mà còn tham gia vào các công việc khác, ví dụ như vụ “giải cứu” nhà nghiêng ở Đầm Trấu (phường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng – Hà Nội), hay trường hợp nổ khí gas gây sập nhà xảy ra tại ngõ 22 Tạ Quang Bửu, rồi phối hợp với lực lượng chức năng để kéo xe vi phạm…

Cần nâng cao tính chuyên nghiệp

Trong các sự cố giao thông hay tình trạng sạt lở đường xảy ra, lực lượng tham gia ứng cứu chỉ là những phương tiện thi công cơ giới như xe ủi, xe xúc, xe cẩu hạng nhẹ, với những trường hợp xe có trọng tải lớn bị nạn thì công tác cứu hộ chưa thể triển khai một cách kịp thời, từ đó dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông, gây thiệt hại nhiều hơn về tài sản. Chính vì vậy, việc đầu tư trên lĩnh vực cứu hộ giao thông điều cần thiết.

Nhận thấy tiềm năng của loại hình dịch vụ này, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư nhiều xe cứu hộ đặc chủng để đáp ứng nhu cầu cứu hộ đối với những loại xe có trọng tải lớn.

Trên thị trường đã xuất hiện những loại xe cứu hộ siêu trọng với trọng tải hàng chục tấn, có thể nhanh chóng dọn dẹp các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do những chiếc xe tải nặng hay những “hung thần xa lộ” đầu kéo gây ra.

Hiện nay, tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã có trên dưới 40 doanh nghiệp phục vụ trong lĩnh vực cứu hộ. Nhưng làm cứu hộ chuyên nghiệp thì không nhiều, đa phần các doanh nghiệp bán xe, bảo dưỡng xe có kèm theo cứu hộ để phục cho khách hàng của mình.

Năm 2008 đánh dấu sự ra đời của một diễn đàn nghề cứu hộ giao thông trên internet có địa chỉ là diendan.volang.net, là nơi một số doanh nghiệp cứu hộ trao đổi các sự vụ giao thông hàng ngày, chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ cứu hộ quốc tế. Họ đã xây dựng được một bảng giá dịch vụ cứu hộ giao thông tương đối chi tiết cho khu vực miền Bắc.

Mới đây, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), Hội Cứu hộ giao thông Việt Nam đã tổ chức buổi Hội thảo thường niên khóa 2 với sự tham gia của 68 Đội cứu hộ giao thông đến từ 38 tỉnh thành trên toàn quốc. Qua đó đã bầu ra Ban lãnh đạo Hội Cứu hộ giao thông Việt Nam gồm 1 Chủ tịch, 3 Phó chủ tịch tại 3 miền khác nhau và các ủy viên chấp hành.

Hội thảo cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm gặp gỡ, giao lưu gắn kết tình thân giữa những thành viên cứu hộ đến từ khắp 3 miền như diễu hành, ca nhạc, thi tay nghề thực hành. Đặc biệt là việc cho ra mắt phần mềm cứu hộ giao thông ứng dụng trên điện thoại di động nhằm giúp khách hàng thuận tiện nhất trong việc cứu hộ giao thông.

Dự kiến, năm 2017, Hội Cứu hộ giao thông Việt Nam sẽ tổ chức buổi gặp gỡ giao lưu lần thứ 3 tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) do các đội cứu hộ Thanh Hóa phối hợp đăng cai tổ chức.

Thiết nghĩ, việc xây dựng quy chuẩn cũng như tính chuyên nghiệp rất cần cho công tác cứu hộ giao thông dẫu trước mắt còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng căn cứ vào sự phát triển nhanh chóng của mật độ giao thông hiện nay, công việc này hứa hẹn sẽ đem lại nhiều tiềm năng lớn trong tương lai.

Đọc thêm