Thu phí không dừng (ETC): Giảm chi hàng ngàn tỷ mỗi năm

(PLO) - Sẽ giảm được hàng ngàn tỷ đồng chi phí cho xã hội mỗi năm nếu Việt Nam hiện thực hóa Dự án thu phí tự động không dừng - một công nghệ đã ứng dụng và được xác nhận là đa tiện ích tại Đài Loan (Trung Quốc).
319 trạm thu phí điện tử đa làn (giá long môn) được bố trí trên 1.000km đường bộ cao tốc ở Đài Loan
319 trạm thu phí điện tử đa làn (giá long môn) được bố trí trên 1.000km đường bộ cao tốc ở Đài Loan
Doanh nghiệp triển khai thành công hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) ở Đài Loan là Công ty FETC, đối tác của Công ty Cổ phần TASCO - đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép lập ETC kết hợp kiểm soát tải trọng xe trên quốc lộ (QL) 1A và đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên (QL14).
Giao thông thông minh
Năm ngoái, TASCO và FETC đã cùng khế ước về việc thực hiện Gói thầu “Tư vấn dự án, chuyển giao công nghệ thu phí không dừng và kiểm soát tải trọng”, một công nghệ mà FETC đã có hơn chục năm ứng dụng, tích lũy kinh nghiệm trên 1.000km đường bộ cao tốc ở Đài Loan. 
“Năm 2004 chúng tôi được giao thực hiện Dự án thu phí tự động theo hình thức BOT. Thu phí theo công nghệ RFID (công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến - PV) có độ chính xác gần như tuyệt đối (99,99%). Hồi đầu, khi còn dùng công nghệ cũ, số lượng khách hàng chưa cao nhưng khi chuyển sang RFID, khách hàng của chúng tôi tăng vọt. Tính đến nay, việc sử dụng ETC ở Đài Loan đạt 94%, với số xe đăng ký là 6,3 triệu. Ước tính mỗi ngày hệ thống này xử lý khoảng hơn 14 triệu lượt xe lưu thông qua các trạm trên toàn hệ thống cao tốc.” - ông Y.C Chang, Tổng Giám đốc FETC nói.
Với các thiết bị (camera, đầu đọc...) hiện đại được lắp đặt tại 319 giá long môn khắp từ Bắc vào Nam của Đài Loan cho phép hệ thống này của FETC thu nhận, xử lý hình ảnh, tính phí đường bộ chi tiết và không bỏ sót bất kỳ xe nào khi lưu thông trên tuyến. Theo đó, để sử dụng dịch vụ ETC, chủ phương tiện sẽ được cấp miễn phí một thẻ định danh E-tag  dán trên kính trước của xe kèm một tài khoản thu phí để giao dịch là có thể nhấn ga, chạy khắp Đài Loan mà không cần dừng trước các baire để mua phí đường bộ.
“Thẻ E-tag dán trên xe sẽ nhận được một tín hiệu tần số cao và hoàn thành việc giao dịch chỉ trong vòng 0,02 mili giây, nhờ vậy có thể cho phép các tài xế liên tục hành trình mà không hề bị gián đoạn tại các trạm phí. Đáng nói, với việc không dừng xe, mỗi một xe giảm được 60cc nhiên liệu và lượng khí thải khoảng 150 gram carbon... Phần lớn người dân Đài Loan nhận thức sâu sắc sự tiện ích mà hệ thông giao thông thông minh này mang lại cho cuộc sống của họ.” -  Phó Tổng Giám đốc FETC Richard khẳng định.
Tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng
Cũng như ở Đài Loan, ETC nếu được ứng dụng tại Việt Nam, dự tính mỗi năm có thể tiết kiệm được khoảng hơn 3.000 tỷ đồng nhờ cắt giảm được chi phí nhân công, in vé giấy, giảm tiêu hao nhiên liệu... Ngoài ra, với độ chính xác cực cao của công nghệ ghi hình, nhận dạng và lưu giữ hình ảnh, ETC còn giúp các chủ đầu tư chống được thất thu, gian lận phí cầu đường có thể xảy ra ở mô hình xé vé qua trạm theo lối thủ công.  
Liên quan vấn đề này, được biết trước đó Bộ GTVT đã đồng ý giao TASCO và Ngân hàng BIDV triển khai thí điểm tại 3 trạm thu phí đường bộ BOT trên QL1A và QL14, gồm Hoàng Mai (Nghệ An), Bắc Quảng Bình và trạm Đắk Mil (Đắk Nông) để rút kinh nghiệm, trước khi áp dụng đại trà tại 35 trạm thu phí trên QL1A đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và QL14.
Chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đại diện FETC cho biết, công nghệ nói trên có thể triển khai theo từng giai đoạn. Đầu tiên là phiên bản ETC 2.0 - hình thức thu phí vẫn tồn tại các barie; ở mức này, tốc độ xe qua trạm khoảng 20 km/h. Tiếp đó là ETC 3.0 không có barie. Và cuối cùng là ETC 4.0 đa làn điện tử (không có barie); với phiên bản này, tốc độ xe qua trạm có thể lên tới 100 km/h. Tuy nhiên, với đặc thù giao thông ở Việt Nam, đơn vị tư vấn cho rằng nên bắt đầu từ ETC 2.0, sau đó tiến thẳng lên phiên bản 4.0 đa làn điện tử.
Được biết, phía Bộ GTVT sau khi nghiên cứu đã thống nhất quan điểm chuyển thu phí từ thủ công sang tự động không dừng ở Việt Nam phải bảo đảm không làm tăng mức phí đường bộ mà chủ phương tiện phải trả, đồng thời bảo đảm quyền thụ hưởng phí của các chủ đầu tư và hỗ trợ việc quản lý nhà nước về giao thông. 
“ETC rõ ràng rất ích lợi. Vì thế, cần khẩn trương đưa mô hình giao thông thông mình này vào hệ thống đường quốc lộ, cao tốc Việt Nam. Muốn vậy, phải tính tới cơ chế mở đường để dự án sớm triển khai. Dưới góc độ là cơ quan tham mưu về mặt tài chính, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ Tài chính tính toán sao cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, nhất là cách thu phí đối với xe container. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ làm việc với các nhà đầu tư Dự án đường bộ BOT để thống nhất phương án đối với từng hợp đồng trước khi ứng dụng ETC.” - Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) Đỗ Văn Quốc nói.
Về lộ trình thực hiện, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GTVT) cho biết, Bộ dự kiến trước mắt sẽ vẫn duy trì song song hai hình thức thu phí thủ công đang hoạt động và các trạm mới chuyển sang tự động. Sở dĩ vẫn tồn tại cùng lúc hai hình thức như vậy là để các đơn vị dần dần chuyển đổi công nghệ; đồng thời tạo điều kiện cho các chủ phương tiện, người lái xe có thời gian làm quen, tiếp cận với công nghệ mới.
Dịch vụ càng tốt, người dán thẻ E-tag càng nhiều
“Sự tiện ích vốn có của RFID cộng với chất lượng dịch vụ không ngừng cải thiện... là phương cách tốt nhất để chúng tôi tạo đồng thuận, thu hút người dân Đài Loan sử dụng ETC. FETC đã bố trí rất nhiều điểm dán thẻ E-tag tại các trạm dừng nghỉ trên cao tốc hay tại các hãng xe hơi... Khách hàng có thể đến những điểm này nạp tiền vào tài khoản hoặc qua ngân hàng, thẻ tín dụng... trước khi lưu thông. 
Xe dán E-tag khi vào làn thu phí, hệ thống nhận diện bằng công nghệ laser sẽ kích hoạt camera trên giá long môn chụp biển số và ăng ten phát tín hiệu đọc thẻ E-tag để tính phí. Hiện, 94% phương tiện ở Đài Loan sử dụng ETC và 80% xe mới mua được chủ phương tiện cho dán E-tag” . Ông Y.C Chang, Tổng Giám đốc FETC.

Đọc thêm