Thu phí tự động không dừng (ETC): “Chấm” công nghệ RFID

(PLO) -  Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định. “Đối với các trạm thu phí đã triển khai theo công nghệ DSRC, cần nghiên cứu tích hợp với công nghệ RFID và dần chuyển sang công nghệ này, các trạm chuẩn bị triển khai thống nhất chỉ sử dụng công nghệ RFID theo định hướng chung”, 
Tấm thẻ e-Tag nhỏ gọn này sẽ được dán lên kính lái ô tô để sử dụng ETC
Tấm thẻ e-Tag nhỏ gọn này sẽ được dán lên kính lái ô tô để sử dụng ETC

Tại Việt Nam hiện đã và đang triển khai nhiều công nghệ thu phí tự động không dừng, nhưng chủ yếu dưới ba dạng: công nghệ DSRC 5.8Ghz passive (thụ động), công nghệ DSRC 5.8Ghz Active (chủ động) và công nghệ RFID passive (thụ động).

Theo đó, công nghệ RFID có nguồn gốc từ Hoa Kỳ và được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn ISO 18000-63:2013 (dải tần 860Mhz - 960Mhz, loại C), thẻ e-Tag dán trên kính lái hoặc đèn trước của xe, tài khoản của khách hàng được lưu tại trung tâm thanh toán; giá thành thẻ e-Tag tương đối rẻ (khoảng 2USD/ 1 thẻ e-Tag). Công nghệ này đã được áp dụng trong thu phí giao thông tại một số nước như Hoa Kỳ, Canada, Argentina, Brazil, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan.

Theo kế hoạch, từ nay đến 30/6/2016, toàn bộ các trạm thu phí trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (QL14) sẽ phải triển khai tối thiểu một nửa số làn ETC và phấn đấu đến cuối năm 2018 toàn bộ các trạm chỉ có làn ETC (vẫn có barier) nhưng đến năm 2020 sẽ bỏ hết barier tại các trạm thu phí. Việc triển khai và vận hành hệ thống ETC tại các trạm thu phí này đã được Bộ GTVT lựa chọn từ nhà đầu tư có năng lực là Công ty cổ phần Tasco, đơn vị tư vấn chuyển giao công nghệ là Công ty FETC Đài Loan.

Hiện, trên toàn quốc có hơn 70 trạm thu phí nhưng hầu hết các trạm chưa triển khai làn ETC. Một số trạm đã triển khai hệ thống ETC thì lại đang sử dụng các công nghệ khác nhau (công nghệ DSRC sử dụng OBU và công nghệ RFID sử dụng thẻ eTag). Do đó, việc tích hợp công nghệ, kết nối và chia sẻ thông tin giữa các trạm thu phí đang gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết những tồn tại này, Bộ GTVT đã kiến nghị với Chính phủ và được Thủ trướng đồng ý chủ trương cho phép Bộ GTVT triển khai các trạm ETC theo công nghệ RFID sử dụng thẻ e-Tag trên các tuyến đường cao tốc và quốc lộ phạm vi toàn quốc nhằm thống nhất một công nghệ (RFID) và khả năng liên thông giữa các trạm.

“Đối với các trạm thu phí đã triển khai theo công nghệ DSRC, cần nghiên cứu tích hợp với công nghệ RFID và dần chuyển sang công nghệ RFID, các trạm chuẩn bị triển khai thống nhất chỉ sử dụng công nghệ RFID theo định hướng chung của Bộ”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết thêm.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, ông Phạm Quang Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tasco từng cam kết: “Nếu có đơn vị khác cũng tham gia thực hiện hệ thống thu phí tự động, chúng tôi sẵn sàng hợp tác, chia sẻ và thỏa thuận nhằm đảm bảo mục tiêu cuối cùng là đem lại một dịch vụ thu phí tự động thỏa mãn sự hài lòng của khách hàng, đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư”.

Việc chiết xuất dữ liệu và báo cáo Bộ GTVT về quá trình thu phí ETC cũng sẽ được đơn vị này thực hiện định kỳ hàng tháng khi triển khai. Ngoài ra, để đảm bảo tính minh bạch và chính xác, nhà đầu tư dịch vụ sẽ cung cấp cho các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ, Bộ Công an... một cổng kết nối trực tuyến với mục đích giám sát toàn bộ các trạm thu phí, dữ liệu thu phí mọi lúc, mọi nơi. 

Liên quan vấn đề này, tại một cuộc họp triển khai đề án ETC mới đây, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Doanh nghiệp nào không ký hợp đồng triển khai, Bộ GTVT sẽ áp dụng biện pháp xử lý cao nhất là bắt buộc tạm dừng việc thu phí”. 

Trao đổi với PLVN, phần lớn các nhà đầu tư BOT về đường bộ cho biết họ đã ký phụ lục hợp đồng về triển khai ETC với Bộ GTVT, đồng thời hối thúc các đơn vị liên quan sớm tổ chức triển khai đồng loạt công nghệ này cho các trạm thu phí trên QL1 và QL14.

Đọc thêm