Tịch thu phương tiện vi phạm giao thông để hạn chế vi phạm

(PLO) - Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng  cho rằng cần tịch thu phương tiện vi phạm giao thông để hạn chế vi phạm.
Chế tài đủ mạnh thì số lượng vi phạm giảm
Đề xuất nâng mức xử phạt hành vi vi phạm giao thông, trong đó có mức tịch thu phương tiện, được Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia đưa ra khiến không ít lo ngại mức phạt “quá cao” này sẽ ảnh hưởng đến quyền bảo hộ tài sản của công dân.
Ông Khuất Việt Hùng cho biết, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng tỷ lệ tai nạn giao thông năm 2014 không khác nhiều so với năm 2013 với những vi phạm phổ biến là chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, chở quá người qui định, sử dụng rượu bia… 
Bên cạnh đó, tình trạng xe quá tải, mô tô, xe gắn máy, kể cả xe máy điện, các loại xe tương tự và xe thô sơ tham gia giao thông trên đường cao tốc là những hành vi gây nguy hại cho ATGT. Vì vậy, Ủy ban ATGT Quốc gia đề xuất mức phạt nặng đến mức “tịch thu phương tiện”, không phân biệt giá trị đối với các hành vi này để gửi thông điệp đến người dân rằng “những vi phạm này gây hậu quả rất lớn”.
Uỷ ban ATGT Quốc gia đề xuất tăng nặng mức phạt đối với xe máy vi phạm khi đi vào đường cao tốc
Uỷ ban ATGT Quốc gia đề xuất tăng nặng mức phạt đối với xe máy vi phạm khi đi vào đường cao tốc
Theo kinh nghiệm của nhiều nước, “chế tài đủ mạnh thì số lượng vi phạm giảm” nên chế tài là để bảo vệ sự tồn tại của chính người điều khiển phương tiện giao thông và an toàn xã hội. Từ đó, ông Hùng nhắc nhở:
“Nếu thấy chế tài nặng thì không nên vi phạm, vì chế tài là để răn đe, giáo dục, xây dựng ý thức tham gia giao thông chứ không phải nhằm trừng phạt”.
“Những phương tiện bị tịch thu sẽ được bán đấu giá. Tiền đấu giá được sẽ đưa vào ngân sách Nhà nước và có thể được dùng để đầu tư cho chính hoạt động đảm bảo ATGT ” – ông Hùng cho biết.
Đánh giá về đề xuất này, ông Tô Văn Hòa, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, các nước có chế tài nặng nên việc đề xuất mức phạt cao như vậy là hợp lý. Vấn đề là cần cân nhắc nên áp dụng cho những trường hợp nào để phù hợp thực trạng ATGT và văn hóa Việt Nam, đảm bảo tính hợp pháp của qui định và tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Quy trình rõ, không lo tiêu cực
Có ý kiến cho rằng, thu giữ phương tiện là vi phạm quyền bảo hộ tài sản của công dân, nhưng ông Tô Văn Hòa cho rằng Hiến pháp 2013 đề cao quyền này nhưng không có nghĩa loại trừ pháp luật có chế tài liên quan đến thu giữ tài sản vi phạm. 
Hơn nữa, “đề xuất được xây dựng trên cơ sở căn cứ vào qui định trong Luật Xử lý vi phạm Hành chính về tịch thu phương tiện của những người cố tình vi phạm gây uy hiếp xã hội cao” – ông Hùng giải thích thêm.
Vấn đề được quan tâm nhiều là việc thực hiện chế tài này như thế nào để không ảnh hưởng quyền bảo hộ về tài sản của công dân, nhất là phòng, chống tiêu cực trong lực lượng thực thi. Theo ông Tô Văn Hòa, cùng với phòng, chống tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ thì quan trọng là “có qui trình rõ ràng để thực thi chế tài “tịch thu phương tiện” sẽ giảm tiêu cực”.
Phân tích những khía cạnh pháp lý của việc tịch thu phương tiện trong xử lý vi phạm giao thông trong khi theo quy định, tịch thu tài sản của công dân phải có quyết định của Tòa án, ông Hòa chỉ rõ, tịch thu phương tiện là tang vật thì không cần quyết định của Tòa án; nếu người bị tịch thu phương tiện không đồng tình có thể khởi kiện quyết định tịch thu phương tiện ra Tòa án để phân xử tính đúng, sai.
Ủy ban ATGT Quốc gia kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171 nhằm tăng nặng chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm. 
Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đề nghị, với những trường hợp điều khiển mô tô, xe gắn máy, kể cả xe máy điện, các loại xe tương tự và xe thô sơ tham gia giao thông trên đường cao tốc sẽ bị tịch thu phương tiện.

Đọc thêm