Ùn tắc do “vướng” công trình thi công: Đâu là giải pháp?

(PLO) - Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhiều công trình giao thông đã trực tiếp góp phần thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển. Thế nhưng, bên cạnh đó cũng tồn tại không ít công trình thi công ì ạch, trực tiếp phát sinh nên nhiều “điểm đen” gây tắc nghẽn giao thông. Thực tế này cho thấy, cần sớm có giải pháp xử lý và khắc phục tình trạng này. 
Dự án đường sắt đô thị thi công gây ra nhiều “điểm đen” ùn tắc giao thông cho Thủ đô
Dự án đường sắt đô thị thi công gây ra nhiều “điểm đen” ùn tắc giao thông cho Thủ đô

Phát sinh nhiều điểm ùn ứ

Theo một thống kê mới đây của Sở GTVT và Công an thành phố Hà Nội, trong năm 2016 toàn thành phố có 41 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc. Bằng nhiều giải pháp, từ đầu năm 2017 đến nay, liên ngành đã giải quyết được 17 điểm. Tuy nhiên, qua khảo sát vừa qua, liên ngành cũng ghi nhận có 13 điểm phát sinh mới. Do vậy, số điểm ùn tắc trên địa bàn thành phố hiện nay là 37 điểm, trong đó có không ít điểm ùn tắc bắt nguồn từ các công trình thi công ì ạch gây ra. 

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, trên trục đường Phạm Văn Đồng, do công tác mở rộng và thi công công trình đường trên cao nối dài từ Mai Dịch tới cầu Thăng Long nên khu vực này thường xuyên xảy ra ùn ứ. Cá biệt, vào những khung giờ cao điểm, nhiều phương tiện phải ken kín, nối đuôi nhau ì ạch di chuyển dài hàng trăm mét. Nhiều điểm dọc hai bên đường, tính từ đầu tuyến đến công viên Hòa Bình, vật liệu xây dựng chất la liệt ven đường, gây cản trở phương tiện và mất mĩ quan. Tại trục đường này, tình trạng bụi bẩn do phương tiện di chuyển quẩn lên cũng diễn ra phổ biến, gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.

Tương tự, tại nút Thanh niên – Nghi Tàm – An Dương cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông trong giờ cao điểm. Theo ghi nhận, do phải dành diện tích để thi công cầu vượt An Dương, các phương án tổ chức giao thông ở đây buộc phải điều chỉnh. “Chỉ cần đi một đoạn giữa đây là tắc rồi, chứ đừng nói đến cửa khẩu. Chỉ cần ô tô nhích ra đến đây là không đi nổi. Nhiều lúc, không ít xe đi từ Nghi Tàm về, đi vào đường 5 mét này rất nhỏ, bị rào chắn rồi, thì một xe ô tô đi thôi đã hết đường. Nếu có một xe từ cửa khẩu lên Nghi Tàm nữa thì chắc chắn tắc” - Một người dân chia sẻ.

Nút giao ngã tư Tôn Thất Tùng - Trường Chinh - Lê Trọng Tấn cũng là một “điểm đen” giao thông thường xuyên ùn tắc. Theo phản ánh của người dân sống trong khu vực, đường Trường Chinh gần đây xuống cấp nghiêm trọng và xuất hiện nhiều ổ gà. Đường có biểu hiện xuống cấp, lòng đường Trường Chinh, hướng từ phố Tây Sơn rẽ vào cũng chỉ rộng vỏn vẹn khoảng 5m, lượng phương tiện qua đây quá đông nên cảnh xe máy thường xuyên đi lên vỉa hè diễn ra phổ biến.

Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Trong khi người dân Hà Nội đang phải vật lộn với cảnh ùn tắc, những dự án đang thực hiện dở dang thì không ít dự án hiện vẫn nằm im lìm trên giấy. Dự án xây dựng hai cầu cạn vượt hồ Linh Đàm, nối trực tiếp đường vành đai 3 dưới thấp với nút giao Pháp Vân là một ví dụ. Theo tìm hiểu, tuyến đường vành đai 3 đi dưới thấp, đoạn qua hồ Linh Đàm (Q.Hoàng Mai) không được Bộ GTVT làm cầu cạn, do vậy khi phương tiện đi đến đây đã phải rẽ vào các tuyến đường nội đô để ra nút Pháp Vân. Điều này gây ùn tắc nghiêm trọng cho các tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Giải Phóng.

Để giải quyết tình trạng này, tháng 9/2017, UBND thành phố Hà Nội đã lên phương án xây dựng hai cầu cạn vượt hồ Linh Đàm, nối trực tiếp đường vành đai 3 dưới thấp với nút giao Pháp Vân. Cùng với đó tại đây cũng xây dựng 2 nhánh lên xuống kết nối đường vành đai 3 trên cao với khu Linh Đàm. Dự án có kế hoạch thực hiện từ năm 2017 đến giữa năm 2018 với mức đầu tư hơn 480 tỷ đồng. 

Dự án được xem như một giải pháp cởi nút thắt kịp thời cho ùn tắc tại khu vực Linh Đàm và được dư luận nhân dân tại đây đánh giá cao, mong đợi. Tuy nhiên sau gần một năm đưa ra kế hoạch trên, đến nay người dân sống tại đây vẫn chưa thấy các công trình trên được triển khai.

Trở lại với câu chuyện Hà Nội vướng phải nhiều điểm đen giao thông mà nguyên nhân xuất phát từ các dự án, công trình. Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia giao thông cho biết, khi công trình giao thông lớn xây dựng, việc đi lại của người dân qua các khu vực này sẽ gặp khó khăn. 

Theo các chuyên gia, ngoài ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông từ người đi đường, rất cần trách nhiệm từ cơ quan quản lý trong việc tổ chức giao thông, giám sát an toàn thi công, đến vai trò của chủ đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn trả mặt bằng giao thông cho người dân.

Bàn về giải pháp xử lý vấn đề, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Quỳnh – Chuyên viên phòng quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) cho biết: Để giải quyết, Sở GTVT thường xuyên chủ động phối hợp với các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, Công an thành phố, UBND các quận huyện, các cơ quan quản lý đường bộ để có phương án phân luồng, tổ chức giao thông hợp lý. Chúng tôi cũng đề nghị chủ đầu tư chỉ đạo sát sao nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, có những biện pháp ưu việt, tối ưu nhất để hạn chế ảnh hưởng đến giao thông”.

Đọc thêm