Uống bia lái xe đường Cần Thơ sẽ phải làm việc với cảnh sát

(PLO) - Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2016-2020 với nhiều giải pháp thực hiện khá toàn diện.
Lễ phát động ra quân xử lý vi phạm về an toàn giao thông trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: Thành Thật
Lễ phát động ra quân xử lý vi phạm về an toàn giao thông trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: Thành Thật

Theo đó, trong việc tăng cường năng lực về thực thi pháp luật xử lý vi phạm về nồng độ cồn sẽ tổ chức tập huấn nghiệp vụ về kiểm tra, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ cho lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự.

“Sờ gáy” người tham gia giao thông uống rượu, bia

Cụ thể, sẽ trang bị máy đo nồng độ cồn trong khí thở và các trang bị phụ trợ khác cho lực lượng thực thi công vụ, tập huấn kỹ năng tuyên truyền về chuyên đề nồng độ cồn cho đội ngũ tuyên truyền về an toàn giao thông (ATGT), các doanh nghiệp vận tải, người điều hành vận tải đường bộ, người tham gia giao thông bằng xe ô tô, xe mô tô, gắn máy.

Đồng thời lồng ghép tuyên truyền các nội dung về tác hại của việc uống rượu, bia vào trong các trung tâm đào đạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, các cơ sở đào tạo chuyên ngành về giao thông vận tải.

Đối với lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sẽ được cụ thể hóa bằng việc xây dựng các kế hoạch, chuyên đề về nồng độ cồn, tổ chức tuyên truyền đến người điều khiển phương tiện cơ giới bằng đường bộ, chú trọng tuyên truyền về quy định của pháp luật về chế tài xử phạt vi phạm hành chính. Đồng thời cảnh báo về nguy cơ tai nạn giao thông do vi phạm quy định nồng độ cồn phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.

Ngoài ra, đưa thêm chương trình giảng dạy về nồng độ cồn vào trong hệ thống trường học, hệ thống trường dạy nghề. Đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên của ngành giao thông vận tải, cảnh sát giao thông, học viên các khóa đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe.

Cạnh đó, xây dựng các mô hình tuyên truyền thí điểm tại một số địa bàn trọng điểm, phát động trong cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị kinh doanh vận tải và tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và thực hiện.

Trong lĩnh vực tuần tra - kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ phối hợp với lực lượng cảnh sát khác thường xuyên kiểm tra các đối tượng có biểu hiện uống rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tăng cường tuần tra, kiểm tra trên các tuyến đường có nhiều điểm kinh doanh quán ăn có sử dụng rượu, bia; thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự ATGT, trật tự xã hội, phòng chống tội phạm trên các tuyến giao thông trọng điểm.

Nâng cao nhận thức người tham gia giao thông

Ngoài ra, việc tăng cường vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức tôn giáo trong các kế hoạch tuyên truyền, vận động phòng chống vi phạm quy định về nồng độ cồn, huy động sự tham gia đóng góp của các chuyên gia, nghiên cứu đề xuất các giải pháp liên quan đến nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ… cũng được thực hiện.

Ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng ban ATGT TP cho biết, các giải pháp trên nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Qua đó, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, người tham gia giao thông trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, từng bước hình thành thói quen “đã uống rượu, bia - không lái xe”.

Đó cũng nhằm vào mục đích giảm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ đến mức thấp nhất, giảm thiểu số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông gây ra. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm xã hội của các tổ chức sản xuất, kinh doanh rượu, bia trong việc đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng và trật tự an toàn xã hội thông qua việc chủ động thực hiện các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh đồ uống có cồn...

Bà Trần Thị Xuân, Phó Trưởng ban ATGT TP Cần Thơ cho biết, theo lộ trình giai đoạn 2016-2017, TP Cần Thơ sẽ thực hiện các giải pháp như: Phổ biến, hướng dẫn thực hiện kế hoạch, tăng cường năng lực thực thi pháp luật về nồng độ cồn; tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; triển khai các hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tăng cường vai trò của cộng đồng và huy động các nguồn lực xã hội cho công tác phòng chống vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Cũng theo bà Xuân, trong giai đoạn 2018-2020, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phổ biến, giáo dục, pháp luật; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào huy động các nguồn lực xã hội hóa cho công tác phòng chống vi phạm quy định nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn TP Cần Thơ.

Đọc thêm