VHSC- bao giờ hết cảnh có tiền nhưng không có đất?

(PLO) -  Thực tiễn giữa quy hoạch với quản lý, với khai thác sử dụng không gian xanh công cộng của Thủ đô, cụ thể là vườn hoa, sân chơi (VHSC) còn nhiều bất cập, trở thành vấn đề cần thiết để không chỉ nâng chất lượng sống cho người dân mà còn tạo lập bản sắc đô thị hướng tới phát triển bền vững. 
Ảnh minh họa nguồn Internet
Ảnh minh họa nguồn Internet
Theo TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Qui hoạch phát triển đô thị Việt Nam, không gian xanh công cộng là yếu tố không thể thiếu trong cấu trúc đô thị, là không gian được xác định trong quy hoạch, là nơi tiếp cận thuận lợi với người dân để sử dụng cho mục đích thể dục thể thao, nghỉ ngơi, giải trí, thư giãn, được qui hoạch đa chức năng và người dân được tiếp cận với điều kiện giới hạn.
Hiện toàn TP có 382ha VHSC, riêng trong nội đô có 21 công viên và 32 vườn hoa với diện tích 320ha, chiếm 1,9% diện tích đất tự nhiên (tỷ lệ che phủ). Với chỉ tiêu bình quân chỉ là 1,7m2/người còn rất thấp so với quy chuẩn 2m2/người và đang là thách thức với chỉ tiêu TP đặt ra là 3,9m2/người. Ngoài ra, còn khoảng 394ha cây xanh từ đường phố, quảng trường với tỷ lệ che phủ là 2,7% diện tích tự nhiên.
Nhưng thực tế, diện tích đất để làm VHSC còn hạn chế so với nhu cầu của người dân Thủ đô. Nhiều diện tích VHSC tại các khu dân cư do thiếu kinh phí và các cơ chế dành cho công tác quản lý, duy trì, bảo dưỡng nên các sân chơi này đều đã xuống cấp, gây mất an toàn; thậm chí, chủ yếu cho cá nhân, tổ chức thuê kinh doanh trông giữ xe, dịch vụ thương mại, chợ tạm, chợ cóc…
Bà Nguyễn Thị Thắm, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Thanh Trì phản ánh, việc địa phương bán đấu giá đất xen kẹt để lấy kinh phí xây dựng nông thôn mới là không phù hợp vì tiền thu về không đáng bao nhiêu, trong khi đất xen kẹt là đất công, nếu để lại thì sẽ có diện tích đất làm VHSC cho người dân. Cùng với đó, ở các địa phương vẫn tồn tại nghịch lý: “Khu dân cư có đất thì không có tiền, khu dân cư có tiền thì không có đất để xây sân chơi”.
Vì thế, tại các khu nhà ở, khu chung cư thì hầu như không còn các vườn hoa, không gian xanh công cộng, trong khi mật độ dân số ở các khu đô thị ngày càng cao là vấn đề rất cần được TP quan tâm cấp bách để nâng cấp đô thị, nâng cao chất lượng sống cho người dân hướng tới Hà Nội xanh - văn minh - văn hiến - hiện đại. 
Từ định hướng Quy hoạch cây xanh công viên, vườn hoa của TP được phê duyệt năm 2014, các chuyên gia về kiến trúc, cảnh quan đô thị kiến nghị cần rà soát lại quỹ đất công, đất trống tại các địa phương, tập trung rà soát quy hoạch công viên vườn hoa hiện có, khai thác quỹ đất từ chuyển đổi mục đích sử dụng khi di dời các cơ sở công nghiệp, di dời trụ sở một số Bộ, ngành, cơ sở đại học, cao đẳng... ra khỏi nội thành. Bên cạnh giải quyết tăng về số lượng VHSC cho nội đô còn phải giải quyết tình trạng mất cân đối về phân bổ VHSC giữa các quận nội đô.
Đồng thời, “có thể dành lại các quỹ đất bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, các quỹ đất sử dụng chức năng không phù hợp trên địa bàn ưu tiên cho các không gian VHSC. Coi các VHSC là nơi giao lưu văn hóa, nơi thể hiện tính nhân văn, trình độ dân trí của người dân trong khu dân cư” - đại diện Uỷ ban MTTQ quận Hoàn Kiếm nêu ý kiến. 
Chia sẻ kinh nghiệm để phát triển VHSC tại khu dân cư, ông Trịnh Tiến Nam - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Vĩnh Tuy nhấn mạnh đến vai trò tuyên truyền vận động của Ban Công tác mặt trận ở các khu dân cư với việc bảo vệ, sử dụng VHSC, giám sát các công trình văn hóa công cộng của khu dân cư, bảo đảm chất lượng và sử dụng khai tác tốt sau khi bàn giao. 
Do đó, để thực hiện mục tiêu phát triển VHSC, thực tế cho thấy ngoài sự tham gia của các tổ chức tư vấn thiết kế và cộng đồng, với nguồn vốn xã hội hoá, rất cần “bàn tay” của MTTQ trong việc chủ động đề xuất, tuyên truyền, tham gia quản lý chặt chẽ VHSC, nâng cao hiệu lực thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với không gian xanh công cộng./.

Đọc thêm