Vì sao TNGT liên quan học sinh gia tăng?

(PLO) - Tuy những năm qua, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương nhưng tai nạn giao thông xảy ra đối với trẻ em và học sinh lại gia tăng. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng đau lòng này phần nhiều đến từ cha mẹ và nhà trường. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Con chưa đủ tuổi cha mẹ vẫn cho đi xe phân khối lớn

Dù vụ tai nạn xảy ra cách đây đã gần 3 năm nhưng đến nay mỗi khi nghĩ đến người dân ở thôn 1, xã Đức Bình, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận vẫn chưa hết bàng hoàng. 

Hôm đó, lúc 12h20 ngày 24/9, trên quốc lộ 55, 2 nữ sinh của Trường THPT Tánh Linh là em M.T.N điều khiển xe gắn máy dưới 50 phân khối chở phía sau em V.T.C lưu thông hướng xã Đồng Kho đi thị trấn Lạc Tánh để đến trường. 

Khi xe đến địa điểm trên, do phía trước cùng chiều có xe tải đang dừng nên các em lách về bên trái để vượt thì xảy ra tai nạn với xe khách đang lưu thông theo hướng ngược lại. Hậu quả hai nữ sinh tử vong tại chỗ. Hiện nay tình trạng học sinh đi xem máy, xe máy điện, xe đạp điện đến trường không phải còn cá biệt. 

Sắm cho con chiếc xe, phụ huynh yên tâm con không phải vất vả chen chúc đợi chờ xe buýt, không phải đi xe đạp vã mồ hôi, nhưng mặt trái của vấn đề là phụ huynh đã quên đi tai nạn giao thông (TNGT) luôn rình rập khi các em chưa qua một khóa huấn luyện về các quy định và Luật Giao thông đường bộ. 

Ngày 29/5 vừa qua, phát biểu tại vòng chung kết cuộc thi “Giao thông học đường” lần 1 năm học 2015-2016, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho biết, tuy những năm qua, TNGT ở Việt Nam giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, nhưng TNGT xảy ra đối với trẻ em và học sinh lại gia tăng. 

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Ủy ban ATGT quốc gia đã chủ trì nghiên cứu về TNGT đối với trẻ em trên địa bàn TP HCM, trong đó, TNGT giảm liên tục qua các năm nhưng TNGT với đối tượng học sinh lại tăng rất đều và cao. 

Cụ thể, năm 2013 có 35 cháu tử vong/775 người; năm 2014 con số này là 61/702 người tử vong và năm 2015 toàn TP HCM có 692 người chết vì TNGT thì có tới 111 trẻ em. “70% số cháu tử vong TNGT là học sinh cấp 3; số học sinh bị tử vong do tự điều khiển phương tiện xe đạp điện, xe máy chiếm tới 80%” - ông Khuất Việt Hùng cho biết.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khỏe theo quy định và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. 

Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 . Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự. 

Nhưng theo lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, học sinh hiện nay tiếp cận và sử dụng phương tiện xe đạp điện, xe máy điện rất sớm, thậm chí nhiều gia đình mua cả môtô phân khối lớn trong khi học sinh dưới 18 tuổi chưa được phép thi và cấp giấy phép lái xe. 

Do không có bằng lái, trực tiếp điều khiển phương tiện dù có chạy xe đạp điện, xe máy điện nhưng với tốc độ từ 20-40km/giờ thì nguy cơ tử vong do TNGT là rất cao với đối tượng này. 

Học “chay” nên luật không vào đầu

Nguyên nhân nữa khiến TNGT xảy ra đối với trẻ em và học sinh gia tăng trong thời gian gần đây theo ông Khuất Việt Hùng chính là tình trạng hiện nay tại các nhà trường chưa có chương trình đào tạo chính quy pháp luật và thực hành về đảm bảo an toàn giao thông đối với các em mà chỉ có giáo trình lý thuyết để học “chay”. Lý thuyết khó nhớ, khó hình dung nên học sinh học một cách miễn cưỡng và dễ quên. 

Được biết, Bắc Ninh là tỉnh thứ 2 sau Hà Nam được Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu xây dựng chương trình đi đến trường và về nhà an toàn. Mặc dù Dự án mới được triển khai ở Bắc Ninh từ tháng 5/2015, song bước đầu đã cho thấy hiệu quả thiết thực của nó. 

Các công đoạn ở Bắc Ninh đã được triển khai theo dự án là cung cấp trang thiết bị giảng dạy an toàn giao thông như máy tính, máy chiếu, sa bàn và các tài liệu giảng dạy nhằm khắc phục tình trạng học ATGT “chay”, học lồng ghép với các chương trình văn hóa từ trước đến nay; tổ chức tập huấn những kiến thức, kỹ năng cơ bản về ATGT cho đội ngũ giáo viên tiểu học, từ đó cung cấp cho học sinh những quy tắc cơ bản về ATGT đường bộ khi tham gia giao thông… 

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vệ An (TP Bắc Ninh) cho biết: “Giáo dục ATGT trong nhà trường là vấn đề không thể xem nhẹ, bởi hàng ngày các em phải tham gia giao thông để đến trường và về nhà. Tuy nhiên, từ trước đến nay công tác giảng dạy mới chỉ dừng lại ở việc lồng ghép vào các tiết học giáo dục công dân hay trong các tiết chào cờ thứ hai hàng tuần, nên chưa thể ngấm và thấm được với lứa tuổi hiếu động ở các em”.

“Bằng trực quan sinh động như được học trên máy, trên sa bàn, được tiếp cận với các mô hình an toàn, tuyến đường an toàn... chắc chắn kiến thức, kỹ năng về ATGT ở các em sẽ được nâng lên rõ rệt. Đây thực sự là cách tiếp cận mới về tuyên truyền, giáo dục ATGT trong học đường”. – Bà Tâm cho biết thêm.

Cuộc thi “Giao thông học đường” lần 1 năm học 2015- 2016 cũng là một hoạt động được đánh giá cao trong việc tuyên truyền về kiến thức giao thông tới các em học sinh, đặc biệt là các em thuộc cấp học THCS và THPT. Dù là lần đầu tiên do Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cty CP Tập đoàn Giáo dục Egame tổ chức nhưng cuộc thi đã thu hút được gần 200.000 thí sinh cả nước tham dự… 

Thế mới thấy, những cái chết thương tâm vì TNGT cho trẻ em và học sinh hoàn toàn có thể tránh được nếu được nhìn thấy và khắc phục.

Một ngày có 580 trẻ em bị tai nạn thương tích do tai nạn giao thông, đuối nước…

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2010 – 2014 trung bình mỗi ngày Việt Nam có khoảng 580 trẻ em bị tai nạn, thương tích các loại như TNGT, đuối nước, ngã, điện giật, bỏng. Chính vì thế, chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 là “Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ”. Chủ đề này được Bộ LĐ-TB&XH lựa chọn nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em trong việc phòng chống, kiểm soát tai nạn thương tích trẻ em, đặc biệt là TNGT và tai nạn đuối nước, bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển. Đồng thời đây cũng là việc triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 234 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016- 2020 và bảo đảm quyền sống của trẻ em.

Đọc thêm