Vì sao tổng thầu đường sắt Cát Linh 'đòi' 50 triệu USD?

(PLVN) - Tổng thầu cho rằng dự án Cát Linh - Hà Đông bị chậm giải ngân, do vậy đơn vị này cần được thanh toán 50 triệu USD để chi trả cho thầu phụ và lương chuyên gia.
  Vì sao tổng thầu đường sắt Cát Linh 'đòi' 50 triệu USD?

Ngày 3/6, ông Đường Hồng, Giám đốc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Tổng thầu Trung Quốc) phản ánh, từ tháng 2, "dự án chưa được giải ngân hạng mục nào khiến Tổng thầu không thể trả cho các nhà thầu và nhà thầu phụ".

Theo ông Hồng, hầu hết hợp phần thiết bị tại dự án này đã hoàn thành xây lắp và lắp đặt, trong đó nhiều thiết bị đã lắp đặt được từ hơn 2 năm song đến nay vẫn chưa được thanh toán. "Đến nay dự án đã được chủ đầu tư thanh toán đạt trên 78% giá trị hợp đồng. Chúng tôi cần được thanh toán khoảng 86%", ông Đường Hồng nói. 

Ông Hồng nói Tổng thầu kiến nghị Ban Quản lý dự án đường sắt (đại diện chủ đầu tư) thanh toán 50 triệu USD theo hợp đồng tại buổi họp trực tuyến tháng 5, "để chi trả cho các nhà thầu, thầu phụ lắp đặt thiết bị cho dự án và trả lương chuyên gia của đơn vị cung cấp thiết bị phía Trung Quốc khi vận hành thử tàu toàn hệ thống".

"Đây là tiền thanh toán khối lượng bình thường theo hợp đồng EPC đã ký, không phải chi phí tăng ngoài hợp đồng", ông Hồng giải thích. 

Từ đầu năm, Tổng thầu đã trình hồ sơ một số lần song chưa được Ban quản lý dự án đường sắt chấp thuận. Theo ông Đường Hồng, một số nội dung trong hồ sơ giải ngân này vẫn chưa được thống nhất giữa các bên và mất nhiều thời gian trao đổi. 

"Dự án đang rất khó khăn, nếu không có tiền thì chúng tôi không thể tiến hành vận hành thử toàn hệ thống trong thời gian tới. Không có tiền thì các nhà cung cấp 11 nhóm thiết bị không sang, chúng tôi không làm gì được", ông Hồng nói. 

Ông Đường Hồng còn cho biết, Tổng thầu đang huy động chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam theo từng đợt, đợt một sẽ có 26 chuyên gia sang vào ngày 12/6. 

Về vướng mắc giải ngân dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, cho biết, hồ sơ của Tổng thầu Trung Quốc trình lên có một số nội dung chưa đủ điều kiện để giải ngân, do đó Ban quản lý dự án chưa thể thanh toán, dù nguồn vốn chủ đầu tư luôn đáp ứng.

Theo ông Phương, hợp đồng nêu rõ các hạng mục thiết bị được thanh toán theo từng giai đoạn như lắp đặt, nghiệm thu, chạy thử. Đến nay là giai đoạn giải ngân khi hồ sơ của toàn hệ thống được hoàn thiện, song có một vài thiết bị còn thiếu hồ sơ nên cần chờ Tổng thầu bổ sung. 

"Chúng tôi chia sẻ các vấn đề khó khăn của Tổng thầu và đang cố gắng phối hợp các bên để giải quyết", ông Phương nói. 

Về tiến độ, ông Phương cho biết, Ban quản lý dự án đường sắt đã thanh toán gần 80% giá trị hợp đồng, đang yêu cầu Tổng thầu và tư vấn trình hồ sơ để tiếp tục thanh toán.  Theo quy định hợp đồng, dự án đảm bảo đúng thiết kế, sau khi nghiệm thu thì sẽ giải ngân 95% giá trị hợp đồng, 5% còn lại là tiền bảo hành công trình. 

Đề cập việc Tổng thầu thiếu vốn ảnh hưởng công tác vận hành thử toàn hệ thống, ông Phương khẳng định "vấn đề này thuộc trách nhiệm của Tổng thầu". 

Ông Vũ Hồng Phương thông tin thêm, thời gian qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các chuyên gia Trung Quốc chưa thể sang Việt Nam, khiến công tác vận hành thử chậm triển khai. Dự kiến các chuyên gia sẽ sang trong tháng 6, cùng thời gian này, Tổng thầu được đôn đốc tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, trình chủ đầu tư. 

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày, kết hợp đánh giá an toàn hệ thống. Sau đó, đơn vị tư vấn độc lập cấp chứng chỉ an toàn, Tổng thầu hoàn thiện hồ sơ hoàn công để nghiệm thu.

Chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải sẽ nghiệm thu công trình, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước kiểm tra, sau đó chủ đầu tư bàn giao dự án cho đơn vị vận hành (TP Hà Nội) để đưa vào khai thác. 

Đến nay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã cơ bản hoàn thành thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị. Các phần việc còn lại chủ yếu là hoàn thiện hiện trường, mỹ quan, chỉnh sửa một số thiết bị để chuẩn bị cho vận hành thử toàn hệ thống. 

Trong báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm ngành giao thông, Chính phủ nêu thực tế loạt dự án đang có nguy cơ chậm tiến độ, điển hình là tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ngoài nguyên nhân khách quan từ Covid-19, Tổng thầu Trung Quốc đề nghị thanh toán toàn bộ số tiền 50 triệu USD để vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao dự án cho Việt Nam.

Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông dài hơn 13 km và 12 nhà ga đi trên cao, vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018. Tuy nhiên, đến nay công trình này vẫn chưa được khai thác thương mại. 

Đọc thêm