Vì sao xe buýt chưa thể là lựa chọn số 1 của người dân?

(PLO) - Trong thời gian qua, TP HCM nói riêng và các TP lớn luôn có những nỗ lực nhằm cải tạo, nâng cấp chất lượng cũng như đổi mới hoạt động nhằm đưa xe buýt trở thành phương tiện công cộng lựa chọn hàng đầu đối với người dân. Thế nhưng, nỗ lực ấy vấp phải khó khăn đủ bề.
Vì sao xe buýt chưa thể là lựa chọn số 1 của người dân?

Mở tuyến xe buýt mới, cải thiện thái độ dịch vụ, nâng cấp chất lượng xe, đề án xe buýt mini có thể đi vào các ngõ ngách hay dự án hệ thống vé điện tử thông minh cho xe buýt… là những nỗ lực tích cực của TP HCM trong những năm gần đây. Có thể nhận thấy, những nỗ lực ấy đã bước đầu có kết quả khi hoạt động của xe buýt dần được nâng cấp và đi vào nền nếp: Xe chạy đúng giờ, nhanh chóng, lịch sự, văn minh và không còn tồn tại nhiều các tệ nạn như trước đây.

Cạnh đó, tuyến xe buýt mini với 250 chiếc cũng đã được đồng ý triển khai thí điểm tại các hẻm nhỏ trên địa bàn TP. Với tuyến xe buýt mini này, TP kì vọng xe buýt sẽ trở nên tiện lợi hơn nữa, vì thực tế hiện nay nhiều người dân không thể chọn xe buýt để di chuyển vì nhà trong các ngõ ngách, xa trạm xe buýt cần đến, tốn nhiều thời gian di chuyển…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được nói trên, cái khó trong việc biến xe buýt thành phương tiện công cộng hàng đầu, góp phần giải bài toán ách tắc giao thông là không ít. Trong khi TP luôn nỗ lực mở tuyến, tăng tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu người dân thì có không ít tuyến xe buýt mở ra chỉ sau một thời gian phải ngưng hoạt động vì không đủ khách, thiếu kinh phí duy trì.

Chỉ trong năm 2018, có đến hàng chục tuyến xe buýt phải ngưng hoạt động hoặc đổi lộ trình. Chỉ tính từ tháng 7 đến tháng 9, TP HCM đã có 5 tuyến xe buýt trợ giá phải đổi lộ trình và tạm ngừng hoạt động, gồm các tuyến buýt số 40, 149, 11 và thời điểm cuối tháng 9 là tuyến 37, 60. 

Một dự án về xe buýt ban đầu được kì vọng nhưng mới đây đã nhanh chóng “phá sản” là dự án vé xe buýt thông minh. Được bắt tay xây dựng từ năm 2015, theo kế hoạch, dự án sẽ lắp đặt thiết bị soát vé trên tất cả các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP HCM, bao gồm lắp đặt thiết bị soát vé điện tử trên xe, cài đặt thiết bị trạm tại đại lý bán vé, phòng hỗ trợ hành khách, triển khai thiết bị soát vé cầm tay.

Dự án dự kiến sẽ cung cấp toàn bộ hệ thống thiết bị công nghệ, hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai giải pháp phần mềm, đào tạo nhân lực và thực hiện vận hành hệ thống vé điện tử. Tuy nhiên, do triển khai chậm trễ, sau 3 năm, đề án vẫn chưa được đưa vào thực hiện và có thể sẽ phải nghiên cứu lại một công nghệ mới vì dự án trước đây tuy chưa áp dụng đã trở nên… lạc hậu.

Hiện nay, hoạt động xe buýt hầu như hoàn toàn dựa vào trợ giá, trong khi mức trợ giá tăng qua hàng năm,  điều đáng buồn là số lượng hành khách đi xe buýt lại không ổn định, trồi sụt theo từng thời điểm. 

Hoạt động của xe buýt chưa thể đạt được hiệu quả như kì vọng phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân, đó là hiện trạng giao thông còn khá phức tạp, từ thói quen giao thông của người dân chưa thể thay đổi và nhiều nguyên nhân khác. Sắp tới, các chuyên gia về GTVT của TP đang tiến hành đánh giá lại các nguyên nhân và điểm nghẽn nhằm tháo gỡ và có phương án trợ giá cũng như những đề án hợp lý hơn nhằm giúp xe buýt phát triển. 

Đọc thêm