Xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau trong giai đoạn 2021 - 2025

(PLVN) - Ngày 18/8, theo Văn phòng Chính phủ số 304/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sẽ chia làm hai thành phần: Cần Thơ - Bạc Liêu và Bạc Liêu - Cà Mau, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

 
Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau Quốc lộ 1A (cầu Cần Thơ). Ảnh: C.Q.
Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau Quốc lộ 1A (cầu Cần Thơ). Ảnh: C.Q.

Theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, với kiến nghị của các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Cà Mau là cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng đoạn Bạc Liêu - Cà Mau.

Thủ tướng Chính phủ yêu cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tuyến đường nêu trên theo hướng điều chỉnh kỳ quy hoạch về trước năm 2030 theo đúng quy định. Triển khai đầu tư xây dựng tuyến đường để sớm kết nối thông suốt từ TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Cà Mau góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Theo dự án đoạn cao tốc Cần Thơ - Bạc Liêu sẽ thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 theo quy định của pháp luật.

Dự án đoạn Bạc Liêu - Cà Mau giao UBND tỉnh Cà Mau chủ trì chuẩn bị đầu tư dự án (trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP) báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2020.

Tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là tuyến cao tốc nối từ Cần Thơ về Cà Mau. Ảnh: C.Q
 Tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là tuyến cao tốc nối từ Cần Thơ về Cà Mau. Ảnh: C.Q

Nâng cấp mở rộng sân bay Cà Mau

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau và các cơ quan có lien quan nghiên cứu đầu tư nâng cấp sân bay Cà Mau đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng 4C và sân bay quân sự cấp II trong giai đoạn 2021 – 2025 theo đúng quy định của pháp luật.

Sân bay Cà Mau khả năng vận chuyển 500.000 hành khách/năm cùng 500 tấn hàng hóa/năm; có ba vị trí đỗ; loại máy bay khai thác là ATR72, A320/321 và tương đương; hạ cánh theo phương thức tiếp cận CAT I; cấp cứu hỏa cấp 7 theo quy định của ICAO.

Bên cạnh đó, trên cơ sở tim đường cất và hạ cánh máy bay hiện hữu, sân bay Cà Mau sẽ được mở rộng dịch chuyển về phía Đông 1.200m, kéo dài đường băng cất và hạ cánh của máy bay lên 2.400m.

Nâng cấp mở rộng sân bay Cà Mau đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng 4C và sân bay quân sự cấp II trong giai đoạn 2021 – 2025.
 Nâng cấp mở rộng sân bay Cà Mau đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng 4C và sân bay quân sự cấp II trong giai đoạn 2021 – 2025.

Hiện tại, sân bay Cà Mau chỉ đáp ứng cho các chuyến bay nội địa với tầm hoạt động ngắn, máy bay loại nhỏ. Trên cơ sở quy hoạch điều chỉnh sân bay Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến 2030, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa, khu hành chính, khu dịch vụ-thương mại phi hàng không, khu phục vụ kỹ thuật hàng không cùng các công trình hạ tầng sẽ tiến hành xây dựng.

Bên cạnh đó, quy hoạch điều chỉnh sân bay Cà Mau vẫn tận dụng các công trình hiện có, tiết kiệm tối đa quỹ đất và kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, phân kỳ đầu tư hợp lý, bảo đảm hiệu quả khai thác…

Máy bay không người lái trong nông nghiệp

Thủ tướng cũng có ý kiến về việc sử dụng máy bay không người lái (drone) trong nông nghiệp. Theo đó giao Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, khẩn trương có hướng dẫn cụ thể về loại hình dịch vụ này, nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng, sức khỏe, tính mạng người dân.

Đặc biệt, sớm triển khai trên quy mô toàn quốc thiết bị bay không người lái trong nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc mùa vụ cho nông dân./.

Đọc thêm