Xin hãy cắt bớt những pano kêu gọi, thay bằng cưỡng chế luật pháp

(PLO) - 8h tối 22/7, dòng xe lưu thông trên đường Hà Huy Giáp (Q.12, TPHCM) hướng từ cầu Phú Long đi cầu vượt Ngã Tư Ga. Khi đến gần giao lộ với đường Tô Ngọc Vân giáp ranh giữa phường Thạnh Xuân và Thạnh Lộc thì xảy ra vụ đâm xe kinh hoàng. Hậu quả, 2 người chết, nhiều người khác bị thương nặng, 4 ô tô, 10 xe máy hư hỏng.
Vụ tai nạn trên đường Hà Huy Giáp
Vụ tai nạn trên đường Hà Huy Giáp

Đây là vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ nghiêm trọng vừa mới xảy ra.

Theo Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 9.593 vụ TNGT, làm chết 4.134 người, bị thương 7.935 người; trong đó có 23 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Tất nhiên đến cuối tháng 7 này, số vụ “đặc biệt nghiêm trọng” đã tăng lên.

Ở đây, người dân có quyền đặt ra hai câu hỏi. Thứ nhất, con số TNGT năm sau so với năm trước trên thực tế có giảm cả “3 tiêu chí” như báo cáo tổng hợp của cơ quan chức năng? Thứ hai, bao giờ người tham gia giao thông được an toàn?

Tất nhiên, câu hỏi này không thuộc trách nhiệm của Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia (cơ quan tham mưu của Thủ tướng) và Văn phòng Ủy ban ATGT các tỉnh, thành phố (cơ quan tham mưu của Chủ tịch UBND cấp tỉnh).

Cơ quan này, nếu ở Trung ương chỉ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các kế hoạch tổ chức thực hiện các chiến lược, đề án quốc gia, các giải pháp phối hợp liên ngành về bảo đảm trật tự ATGT; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT, giúp Thủ tướng kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chủ trương của Trung ương về lĩnh vực này. Chỉ mong công tác tham mưu, xây dựng đề án, chiến lược phải sát đúng, trên cơ sở thông tin chuẩn, không bị “làm đẹp”.

TNGT đang là “thảm họa” quốc gia. Bàn về nguyên nhân (khách quan và chủ quan) trên các diễn đàn, trong các báo cáo, thậm chí không ít đề tài tiến sỹ về lĩnh vực này đều đã “rất cũ” khi nói rằng: do hạ tầng quá tải, lượng xe lưu thông quá nhiều, mật độ quá lớn; năng lực điều hành, quản lý giao thông yếu, hoạt động kém hiệu quả...,”văn hóa” giao thông cực kém.

 Tất cả các nguyên nhân chủ quan, khách quan đã và đang tạo nên một bức tranh hỗn độn về giao thông Việt Nam. Chúng ta tham gia giao thông chưa bao giờ an toàn.

Nguyên nhân gây ra “thảm họa giao thông” cần đánh giá cho đúng rằng: người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông dưới mọi hình thức đã và đang không tuân thủ pháp luật một cách nghiêm ngặt và tự giác.

Giải pháp cho vấn đề này là phải kết hợp đồng bộ việc cấp bằng và huỷ bỏ bằng lái xe, kiên trì giáo dục ý thức chấp hành luật lệ giao thông, trừng phạt thích đáng cho việc không tuân thủ luật lệ giao thông của chủ phương tiện. Xin hãy cắt bớt những pano kêu gọi đi, hãy đưa nó vào cưỡng chế luật pháp. 

Chúng ta vẫn tiếp tục bất ngờ, bất ngờ. Bởi chính trên con đường đẹp, TNGT mới kinh hoàng. 

Đọc thêm