Tất cả những người được giao trọng trách đứng đầu cơ quan, tổ chức thực sự có vai trò rất quan trọng, nếu không muốn nói là có tính quyết định đến sự thành bại chung của đơn vị mình, kéo theo sự thành bại chung của cả một ngành, địa phương và đất nước.
Do đặc thù của vị trí lãnh đạo, buộc phải quan tâm và quán xuyến gần như đến tận “chân tơ kẽ tóc” những sự việc, sự kiện, kể cả những sự cố có liên quan đến tổ chức, đơn vị của mình. Khi đối diện với một núi công việc như vậy, phẩm chất về bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, cũng như thành tích của người lãnh đạo sẽ thể hiện rõ qua những kết quả thực tế được mọi người đánh giá công nhận hoặc bác bỏ. Đây cũng chính là tiêu chí cơ bản để đánh giá năng lực điều hành, quản lý của một vị lãnh đạo này với những người lãnh đạo khác.
Tuy nhiên, có lẽ phẩm chất quan trọng của người lãnh đạo tài giỏi chính là biết phát hiện ra những “điểm nóng” cần ưu tiên giải quyết, trên cơ sở đó biết cách huy động, tập hợp được nhân tài vật lực nhằm thực hiện kế hoạch đã đề ra, đồng thời biết vận dụng sáng tạo, nhuần nhuyễn những kế sách trước mắt nhằm hướng đến mục tiêu chiến lược phát triển lâu dài. Thử nhìn vào thực tế sinh động trên đất nước ta, hoặc ở phạm vi một địa phương như Đà Nẵng, sẽ thấy được những lo toan, vất vả cho nhiệm vụ quốc kế dân sinh mà những người lãnh đạo có trách nhiệm phải gánh vác là vô cùng to lớn và phức tạp. Chỉ riêng những vấn nạn như: Tai nạn giao thông, tàn phá môi sinh, ô nhiễm môi trường, lấn chiếm vỉa hè... là những bài toán nan giải kéo dài rất nhiều năm qua vẫn chưa giải quyết một cách rốt ráo.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình hình trì trệ trong việc giải quyết những vấn nạn trên là do cách thức giao việc và giao quyền cho những người lãnh đạo chưa được cụ thể và dứt điểm. Bản thân lãnh đạo cấp trên không đơn giản chỉ là giao kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện của cấp dưới... mà cần phải có cái nhìn tổng thể, chỉ ra cho lãnh đạo cấp dưới thấy rõ những vấn đề nóng bỏng cần tập trung giải quyết, tạo điều kiện để cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ, kể cả “bảo lãnh” trách nhiệm chính trị đến cùng. Tất nhiên, phải tuân thủ một nguyên tắc xuyên suốt: Đã giao việc thì cần giao quyền, đã giao việc thì phải có trách nhiệm hoàn thành.
Trong quá trình đổi mới cơ chế lãnh đạo nói chung, cơ chế quản trị điều hành nói riêng, một trong những xu hướng nổi bật hiện nay là đưa ra những “đầu bài” hoặc “đầu việc” cụ thể để thử thách năng lực lãnh đạo của cán bộ, trên cơ sở đó chọn lọc nhân tài, kể cả tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo. Tuy nhiên, bất kỳ phương thức và nghệ thuật lãnh đạo nào cũng không thể thay thế được tính tự giác tiên phong của người được giao trọng trách làm lãnh đạo. Thiết nghĩ, nếu bản thân người lãnh đạo không “tự giao việc” được cho mình, thậm chí chỉ thích giao quyền nhưng không thích tự chịu trách nhiệm, không tâm huyết và trăn trở với công việc chung thì rõ ràng họ đang tự đánh mất mình.
THANH THỦY