Gìn giữ nét riêng của Chợ Hàng

Chợ Hàng, một chợ quê giữa lòng thành phố, họp vào chủ nhật hằng tuần trở thành địa điểm, thú vui của nhiều người tìm về với thiên nhiên. Chính từ sự độc đáo đó, chợ Hàng còn được coi là địa chỉ hấp dẫn để có thể đưa vào tua  du lịch.

Chợ Hàng, một chợ quê giữa lòng thành phố, họp vào chủ nhật hằng tuần trở thành địa điểm, thú vui của nhiều người tìm về với thiên nhiên. Chính từ sự độc đáo đó, chợ Hàng còn được coi là địa chỉ hấp dẫn để có thể đưa vào tua  du lịch. Cũng từ ý tưởng đó, sau nhiều lần di chuyển địa điểm, sửa chữa, chợ Hàng đã được đầu tư khoảng 10 tỷ đồng để san nền, xây dựng trên diện tích gần 6000 m2. Song, hiện nay, đến chợ Hàng không ít người cảm thấy tiếc nuối...

Đi chợ Hàng mua quần áo và khám bệnh
Như thường lệ, sáng chủ nhật, người đến chợ Hàng chật như nêm. Chợ Hàng được tu sửa, tôn nền, đổ bê tông, không còn cảnh chợ Hàng khi xưa nền đất, trời nắng bụi mù, trời mưa bùn đất ướt nhoẹt. Người đi chợ cũng cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng càng đi vào trong chợ lại chẳng thấy cây, hoa, cá cảnh, chim chóc đâu mà chỉ thấy ngập tràn quần áo, giày dép, băng đĩa, tranh ảnh, chăn chiếu… Toàn bộ dãy ki ốt có mái che bên trái là các quầy bán quần áo. Phía ki ốt mái che bên phải và khu nhà bát giác ở giữa chợ được dành cho các quán hàng ăn. Khu vực giữa chợ, những người bán hàng tự căng mái che bằng bạt cũng là bán quần áo, băng đĩa, chăn đại hạ giá. Thậm chí, có người còn căng vải giữa chợ để chị em có thể thoải mái thử đồ. Chợ ồn ã bởi một vài người bán hàng rao qua loa, nào là “áo khoác nam, nữ đại hạ giá hết tầm”, “10 nghìn đồng 1 món, giá rẻ bất ngờ”…

Nhiều hộ kinh doanh cây cảnh chuyển ra tuyến đường mương gần chợ Hàng, thuộc phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân)

Chen lẫn giữa các hàng quần áo tại chợ Hàng có khoảng hơn chục người bán thuốc Nam, thuốc Bắc. Họ luôn miệng mời chào: “Ngồi xuống đây để chị bắt mạnh cho, nhìn trông có vẻ gan nóng, huyết áp cao”, “Tin chị, chị sẽ chữa cho khỏi hết bệnh”… Chỉ còn phía góc cuối chợ là khu dành cho những người bán con vật nuôi như chó, mèo, gà là vẫn giữ được một chút gì đó xưa cũ của chợ Hàng.
Tách biệt với cuộc sống hối hả ở đô thị, nhiều người muốn đi chơi chợ Hàng sáng chủ nhật để ngắm cây cảnh, nghe chim hót. Nhưng, giờ đây chợ Hàng  cũng giống như bất cứ chợ nào trong thành phố, khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối. 
Khi chợ Hàng  được tu sửa, những hộ kinh doanh cây cảnh đều tìm địa điểm mới, chuyển ra phố Đường Thuyết hoặc đường mương gần khu nhà 7 tầng, phường Vĩnh Niệm. Chị H. ở huyện An Dương, bán cây cảnh ở khu vực đường mương cho biết: Trước đây, khi chợ Hàng chưa sửa, chị cũng mang cây cảnh vào đó bán. Khi chợ sửa sang, cũng như nhiều người khác chị phải thuê địa điểm mất khoảng 200.000 đồng/tháng ở dọc theo bờ mương để bán hàng. Ngoài ra, chị đóng phí khoảng 10.000 đồng/ngày. Lúc chợ xây xong, được biết chính quyền địa phương có thông báo về việc bố trí sắp xếp chỗ trong chợ, chị làm hồ sơ thủ tục nhưng không được. Song, ngẫm lại, bây giờ hầu hết những người bán cây cảnh đều tập trung ở khu vực này, người đi chợ cũng đã quen “mua chó, mèo thì vào trong chợ, mua cây cảnh ra bờ mương”. Được cái,  ngồi ở đây thoáng hơn, hằng tháng tiền thuê địa điểm, phí cũng không mất nhiều. Hết sáng chủ nhật, bán không hết chị lại thuê xe chở về.

Sắp xếp, bố trí ngành nghề kinh doanh phù hợp
Tháng 5-2010, UBND quận Lê Chân có quyết định giao Xí nghiệp 19-3 quản lý và khai thác chợ Hàng. Ông Nguyễn Văn Biểu, Giám đốc xí nghiệp, Trưởng ban quản lý chợ cho biết, UBND quận giao xí nghiệp quản lý chợ từ tháng 5 nhưng đến tháng 7 mới chính thức nhận bàn giao. Hiện nay, chợ chưa có cổng, tường rào bao quanh. Chỉ có hai bên là các ki ốt có mái che, khu vực giữa chợ vẫn là nền xi măng. Do đó, việc bố trí các hộ vào kinh doanh ổn định gặp khó khăn. Xí nghiệp 19-3 có tờ trình thiết kế để hoàn tất việc xây dựng tường bao, làm mái che để bố trí các hộ kinh doanh vào ổn định, lâu dài. Ban quản lý chợ sẽ ưu tiên trước hết mặt bằng cho các cá nhân, đơn vị kinh doanh cây cảnh, các mặt hàng làng nghề truyền thống trên địa bàn quận và các địa phương. Về lâu dài, khi chợ Hàng xây dựng hoàn chỉnh, Ban quản lý chợ bố trí các hộ kinh doanh ổn định, theo phiên vào sáng chủ nhật cũng như các ngày trong tuần, phục vụ du lịch và dân sinh.
Về phía UBND phường Dư Hàng Kênh cho rằng, việc sắp xếp bố trí ngành nghề bán hàng ở chợ Hàng chưa hợp lý. Đến nay, chợ Hàng hoàn tất mặt bằng, nhưng các hộ kinh doanh cây cảnh chưa được bố trí sắp xếp lại vào trong chợ, dẫn tới người bán, người mua vẫn tràn ra đường Nguyễn Văn Linh, Đường Thuyết. Chính quyền địa phương rất vất vả trong việc giữ gìn an ninh trật tự, giao thông.
Từ lâu, chợ Hàng là địa chỉ quen thuộc của nhiều người, tới chợ không chỉ để mua mà còn để chơi. Chợ Hàng xây dựng khang trang, nhưng vẫn giữ được những nét riêng cũng là mong mỏi của nhiều người dân. Nhu cầu của các hộ được kinh doanh cây cảnh, con giống tại chợ Hàng là rất lớn. Việc bố trí, sắp xếp kinh doanh tại chợ Hàng bảo đảm hợp lý rất cần sự chỉ đạo chặt chẽ của UBND quận, phối hợp chặt chẽ giữa Ban quản lý chợ và chính quyền địa phương. Ông Biểu cũng cho biết thêm, Ban quản lý chợ Hàng cũng có kế hoạch đề nghị với UBND quận tổ chức hội chợ hoa, cây cảnh tại chợ Hàng vào thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Đức Minh

Đọc thêm