Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

“Chỉ riêng khu vực núi Voi và những làng quê bao quanh khu vực này có thể tổ chức tua du lịch hấp dẫn. Trong mỗi làng quê lại chứa đựng những câu chuyện vừa truyền thuyết vừa lịch sử nhưng ẩn chứa trong đó ý nghĩa giáo dục sâu sắc.”- Phó bí thư Huyện ủy An Lão Phạm Đoàn Hưng nhấn mạnh

“Chỉ riêng khu vực núi Voi và những làng quê bao quanh khu vực này có thể tổ chức tua du lịch hấp dẫn. Trong mỗi làng quê lại chứa đựng những câu chuyện vừa truyền thuyết vừa lịch sử nhưng ẩn chứa trong đó ý nghĩa giáo dục sâu sắc.”- Phó bí thư Huyện ủy An Lão Phạm Đoàn Hưng nhấn mạnh nhiệm vụ phát huy những giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất này.

Bề dày truyền thống

Quả vậy, An Lão là mảnh đất với những câu chuyện thấm đượm tình người. Như một biểu tượng của An Lão, núi Voi nằm dọc theo hướng quốc lộ 10, bao quanh là các cánh đồng lúa và hoa màu mênh mông, trù phú. Nơi đây có nhiều hang động lấp lánh nhũ đá đủ hình dạng lạ kỳ, như: Long Tiên, Nam Tào, Bắc Đẩu, Họng Voi, Cá Chép, Cây Đèn,... Những câu chuyện về vùng đất quanh núi Voi luôn hấp dẫn du khách ngay cả ở nội dung giáo dục. Chẳng hạn ở làng Tiên Hội, xã An Tiến lưu truyền câu chuyện khi xưa có 2 khóa sinh trên đường đi thi, lỡ độ đường rẽ vào làng mong nhận được sự giúp đỡ. Bị từ chối, 2 khóa sinh có lời nguyền người dân vùng đất này sẽ không đỗ đạt cao. Hiện nơi đây lập miếu thờ 2 vị, như nhắc nhở cháu con cố gắng học hành, không phạm phải những sai lầm của cổ nhân. Nằm gần khu vực núi Voi có ngôi chùa nhỏ, gọi là chùa Bụt Mọc vì xưa kia vùng đất này nổi lên ụ mối có hình ông Bụt. Người dân chung quanh góp công, góp sức xây dựng ngôi chùa đặt tên là chùa Bụt Mọc. Hàng năm vào dịp lễ hội núi Voi, chùa mở hội, người dân quanh vùng trước khi đến hội đều vào chùa thắp nén hương thơm, cầu mong mọi điều tốt lành…

Núi Voi (An Lão)- Điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách.

Bên cạnh những truyền thuyết, An Lão còn là mảnh đất “địa linh, nhân kiệt”, với những chứng nhân lịch sử độc đáo. Theo tài liệu nghiên cứu của nhà sử học Ngô Đăng Lợi, truyền thống hiếu học của An Lão có nét đặc sắc riêng. Trong tổng số 47 vị trạng nguyên, An Lão có Trạng nguyên Trần Tất Văn, người làng Nguyệt Áng, xã Thái Sơn, đỗ trạng nguyên năm 1526. 39 năm sau, con ông là Trần Tảo đỗ tiến sĩ. Truyền thống khoa cử nước nhà ghi nhận: có 19/47 trạng nguyên có cha, chú, anh em cùng đỗ đại khoa. Gia đình có cha đỗ Trạng, con đỗ Nghè như vị Trạng Nguyên Trần Tất Văn mới chỉ có 7 trường hợp. Ở An Lão, còn có nhiều gia đình con nối nghiệp cha. Trong vòng 12 năm, làng Thành Lựu (An Thái) 2 lần được rước vinh quy bái tổ, đặc biệt lần sau có cảnh “nhất gia, nhất nhật, lưỡng vinh quy”, đó là câu chuyện gia đình Nguyễn Kim, người làng Thạch Lựu (An Thái). Năm 1475, ông Nguyễn Kim đỗ hoàng giáp; đến khoa thi năm 1514, hai con ông là Nguyễn Đốc Tín đỗ hoàng giáp và Nguyễn Chuyên Mỹ đỗ tiến sĩ. An Lão cũng có gia đình cha đỗ Cống, con đỗ nghè. Đó là câu chuyện về Hoàng giáp Lê Khắc Cẩn, người làng Hạnh Thị, An Thọ. Xuất thân trong một gia đình nghèo nhưng có chí học hành, ông đỗ đầu khoa hương, hội và đỗ thứ nhì thi đình. Ông là người có tài văn học, trước tác để lại nhiều. Đây là người duy nhất của thành phố đỗ tiến sĩ dưới Triều Nguyễn. Con trai ông, Lê Mạnh Phả đỗ cử nhân. Ngoài ra, An Lão còn có tiến sĩ Đoàn Mậu, người thôn Kim Côn, xã Chiến Thắng đỗ tiến sĩ năm 1475. Ông Bùi Mộng Hoa, thôn Phương Chủ, xã Trường Thành đỗ tiến sĩ năm 1862, trở thành người đầu tiên của thành phố mở trường dạy học.

Gìn giữ và phát huy từ mỗi nếp nhà

Bề dày văn hóa của miền quê An Lão được gìn giữ, phát huy trong mỗi làng quê mà bắt đầu từ mỗi nếp nhà, dòng họ. Về xã Trường Thọ không mấy ai không biết dòng họ Phạm làng Xuân Đài. Không chỉ được biết đến là dòng họ có suất định lớn nhất làng, từ đường được công nhận là di tích lịch sử kháng chiến mà còn bởi tinh thần đoàn kết của con, cháu họ Phạm. Ông tổ của họ Phạm là những người có công khai hoang, lập nên làng Xuân Đài ngày nay, được sắc phong á thần. Tới nay, họ Phạm ở Xuân Đài co 13 đời. Ở đời nào, họ Phạm cũng có những người đóng góp công lao to lớn cho làng xã, được ghi nhận ở văn bia của đình, chùa làng. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, họ Phạm có 34 liệt sĩ, 23 thương, bệnh binh, 3 bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Sự phát triển dòng họ gắn liền với gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Lối sống tôn bậc được duy trì, tuân thủ chặt chẽ. Họ Phạm răn dạy cháu con nêu cao tinh thần đoàn kết cộng đồng, xóm làng, tương thân, tương ái; giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, khuyến học khuyến tài… Dòng họ Phạm làng Xuân Đài, xã Trường Thọ là một trong dòng họ đầu tiên của huyện phát động phong trào xây dựng dòng họ văn hóa.  /.

Đọc thêm