Phú Thọ là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng, trong đó có bưởi. Nhắc đến loại quả này, nhiều người nhớ ngay đến bưởi Đoan Hùng - một sản vật quý được lựa chọn để tiến vua từ thời xa xưa của vùng đất Tổ.
Toàn huyện Đoan Hùng hiện có trên 2.700ha trồng bưởi, trong đó có hơn 1.400ha bưởi đặc sản, tập trung nhiều tại các xã: Chí Đám, Bằng Luân, Hùng Xuyên, Hợp Nhất, Vân Đồn, Tây Cốc… Bưởi Đoan Hùng có nhiều loại song nổi tiếng cho quả đẹp và hương vị ngon nhất là bưởi Sửu Chí Đám và bưởi Bằng Luân...
Khó tính nhất trong tất cả các loại bưởi
Người dân nơi đây kể lại sự tích, xưa kia có một giống bưởi xuôi theo dòng sông Lô về khu vực xã Chí Đám và được người dân tên Sửu gây giống. Tên của loại bưởi này cũng bắt nguồn từ đó. Bên bờ sông Lô hiền hòa, cây bưởi Sửu được trồng và trở thành đặc sản trứ danh, từng được dâng lên vua chúa.
Ông Nguyễn Minh Mạch - người trồng bưởi lâu năm ở xã Chí Đám cho biết, bưởi Sửu có vị thơm đặc trưng. Bưởi có vị ngọt thanh, không tê lưỡi và he đắng, khi bổ các múi bưởi thường tách biệt nhau, tôm bưởi mịn, không bị thô hoặc to.
"Theo đánh giá mẫu đất, chỉ có vùng Chí Đám mới trồng được cây bưởi Sửu có hương vị đặc trưng. Huyện Đoan Hùng và xã Chí Đám có rất nhiều giống bưởi tuy nhiên bưởi Sửu là loài khó tính nhất, không phải ai trồng cũng duy trì được. Quá trình chăm sóc rất cầu kỳ, tùy vào từng thời điểm sẽ chăm sóc và bón phân phù hợp. Đất trồng phải có thổ nhưỡng tốt, không được đọng nước để tránh ảnh hưởng đến bộ rễ của cây, từ đó hạn hạn chế được sâu bệnh và tăng tuổi thọ cho cây", ông Mạch chia sẻ.
Ông Đỗ Trung Kiên - Chủ nhiệm HTX Sản xuất và Kinh doanh Bưởi Chí Đám thông tin: "Do là loại cây khó tính nên người dân trong quá trình trồng gặp khá nhiều khó khăn, về kỹ thuật chăm sóc cũng như việc áp dụng khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, các cơ quan ban ngành thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để chia sẻ đến người dân những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đồng thời đưa ra nhiều chính sách khuyến khích người dân giữ gìn cây bưởi quê hương, do đó cây bưởi Sửu vẫn là loại cây trồng chính mang lại kinh tế cho người dân. Hiện quả bưởi Sửu Chí Đám của HTX Sản xuất và Kinh doanh Bưởi Chí Đám đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh".
|
Ông Đỗ Trung Kiêm - Chủ nhiệm HTX bưởi Chí Đám |
Thời điểm thu hoạch bưởi Sửu là từ ngày 30 đến 15/11 âm lịch hàng năm. Song nếu được thu hoạch đúng quy trình kỹ thuật, tháng 4 - tháng 5 năm sau, quả vẫn tươi mọng và thơm ngon.
Tuy sản lượng không nhiều, nhưng bưởi Sửu Chí Đám lại mang giá trị kinh tế cao, trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trên địa bàn. Tại vườn nhà của ông Nguyễn Minh Mạch, với 50 gốc bưởi, cây lâu nhất có tuổi đời trên 30 năm, gia đình ông thu về khoảng 150 - 160 triệu đồng mỗi vụ.
Trồng bưởi hơn 20 năm qua, ông Vũ Tuấn Dậu (nhà vườn Thôn 2, xã Vân Đồn, huyện Đoan Hùng) cho biết, bưởi Đoan Hùng trên thị trường luôn được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, xếp lên hàng đầu do có thơm rất đặc trưng, tôm mọng nước, màu trắng ngà, vị ngọt thanh, không he đắng.
|
Vườn bưởi của gia đình ông Dậu chín đều, quả đều chằn chặn, nhuộm vàng cả một vùng. |
"Với 1.000 gốc bưởi, tùy vào giá cả trên thị trường, gia đình tôi thu nhập dao động khoảng 500 – 700 triệu đồng/năm. Nhiều năm nay cây bưởi luôn là nguồn thu nhập chính, giúp cải thiện đời sống sinh hoạt của gia đình", ông Dậu nói.
Cũng theo ông Dậu, huyện Đoan Hùng được thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất thổ nhưỡng mầu mỡ, khí hậu thuận lợi nên cây bưởi khi được trồng tại đây sinh sôi, phát triển tốt, cho sản lượng cao. Cơn bão số 3 (yagi) quét qua khiến nhiều diện tích bưởi bị ngập úng, song vườn bưởi của gia đình ông vẫn lúc lỉu quả thơm vàng chờ chính vụ.
|
Vợ chồng ông Vũ Tuấn Dậu phấn khởi chuẩn bị cho một vụ thu hoạch mới. |
Giữ 'hồn" cho bưởi đặc sản Đoan Hùng
Là người trực tiếp trồng, chăm sóc và gắn bó với cây bưởi Sửu Chí Đám hàng chục năm, ông Nguyễn Minh Mạch luôn tâm huyết trong công việc và dành tình cảm đặc biệt cho loại cây này. "Đây là loại cây do tổ tiên để lại nên chúng tôi luôn cố gắng giữ gìn, bởi nếu đánh mất đi nghề truyền thống, mất đi loại quả đặc sản của quê hương thì cảm thấy có lỗi với tổ tiên", ông bày tỏ.
Ông Vũ Tuấn Dậu cùng suy nghĩ: "Thiên nhiên ưu đãi cho vùng đất Đoạn Hùng loại đặc sản quý, nức tiếng gần xa, không có lý do gì để chúng tôi không tiếp tục gắn bó và nâng cao hơn nữa giá trị của quả bưởi".
Theo ông Trần Minh Tấn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đoan Hùng, trên địa bàn huyện hiện có gần 2.700 ha diện tích trồng bưởi, sản lượng dự kiến năm 2024 là 35.000 tấn. Ngoài bưởi Sửu Chí Đám và Bằng Luân, huyện Đoan Hùng còn trồng rất nhiều loại bưởi nổi tiếng khác như bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi Xuân Vân...
|
Quả bưởi Đoan Hùng khi chín có màu vàng sáng với những tép bưởi mọng nước. |
Nhiều năm qua, quả bưởi Đoan Hùng đã trở thành loại cây đặc sản có giá trị của huyện Đoan Hùng nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung. Năm 2006, bưởi đặc sản Đoan Hùng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý công nhận là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ; đồng thời 3 lần được vinh danh là “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.
Hiện nay, sản phẩm bưởi Đoan Hùng đã được dán tem, nhãn mác mang chỉ dẫn địa lý đưa ra tiêu thụ trên thị trường cả nước, tạo ra tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng và được đánh giá cao về cả chất lượng lẫn mẫu mã quả.
Để bảo vệ và nâng tầm giá trị của loại sản vật quý vùng đất Tổ, huyện Đoan Hùng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để ngày càng nâng cao năng suất, chất lượng của quả bưởi.
"Hàng năm, UBND tỉnh Phú Thọ và UBND huyện Đoan Hùng thường xuyên tuyên truyền người dân tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh nâng cao chất lượng quả bưởi. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng để phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác quản lý chỉ dẫn địa lý, quảng bá, bảo vệ và phát triển bền vững thương hiệu bưởi đặc sản Đoan Hùng", Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đoan Hùng nói.