Quân đội, lực lượng nắm quyền điều hành đất nước Ai Cập từ sau sự sụp đổ của Tổng thống Hosni Mubarak hồi tháng 2, hôm 22/11 hứa hẹn sẽ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trước cuối tháng 6/2012 và một cuộc trưng cầu dân ý về chuyển giao quyền lực. Tuy nhiên, nhiều nghìn người Ai Cập hôm qua vẫn chiếm quảng trường Tahrir ở Cairo để đòi quân đội rời bỏ quyền lực càng nhanh càng tốt.
Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát ở quảng trường Tahrir hôm 22/11. Ảnh: AFP |
Theo Bộ Y tế Ai Cập, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát trên khắp nước này đã khiến 30 người chết trong khi bạo lực vẫn tiếp diễn trong ngày biểu tình thứ tư liên tiếp. Trong khi đó, người đứng đầu Hội đồng Quân sự Tối cao (SCAF), đại nguyên soái Hussein Tantawi khẳng định rằng cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra như dự kiến bắt đầu từ thứ hai tới, bất chấp cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và các vụ đụng độ vẫn xảy ra. Trong một bài diễn văn hiếm hoi, ông Tantawi hứa hẹn tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trước cuối tháng 6/2012.
Trong những tháng gần đây, quân đội đã cam kết trao trả quyền lực cho nhân dân một khi một tổng thống mới được bầu. “Quân đội không muốn nắm quyền”, đại nguyên soái Tantawi khẳng định. Ông Tantawi nói thêm, quân đội cũng “sẵn sàng trao lại trách nhiệm ngay lập tức, nếu như nhân dân muốn điều đó, thông qua một cuộc trưng cầu dân ý”.
Ngoài ra, ông Tantawi cũng chấp nhận đơn từ chức của Thủ tướng Essam Charaf, người được hội đồng quân sự bổ nhiệm hồi tháng 3 vừa qua để quản lý công việc chung. Tuy nhiên, ông không cho biết tên thủ tướng mới.
Những thông báo trên đây được đưa ra sau một cuộc họp của SCAF với nhiều phong trào chính trị, trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo, để tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Ai Cập. Trong cuộc họp này, SCAF đã nhắc tới khả năng bổ nhiệm cựu lãnh đạo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei làm Thủ tướng mới, một nguồn tin quân sự khẳng định, song giả thiết này chưa được xác nhận.
Bị ép phải “ra đi” hôm 11/2 sau một cuộc nổi dậy của dân chúng, ông Mubarak đã phải trao quyền lực cho quân đội, để đại nguyên soái Tantawi nắm quyền tổng thống tạm thời.
Quảng trường Tahrir ngày 22/11. Ảnh AFP |
Tuy nhiên, tại Tahrir, một số người biểu tình khẳng định không tin một lời nào của vị đại nguyên soái. “Chúng tôi không thể tin được điều ông ấy nói. Quả bóng nằm trong lực lượng quân đội nhiều tháng nay và họ đã không làm gì cả”, một người biểu tình tên là Ibtissam al-Hamalawy nói. Ahmed Mamdouh thì khẳng định: “Tantawi, đó là bản sao của Mubarak”, “Đó là Mubarak mặc quân phục và lời của Tantawi hệt với lời của Mubarak”.
Hôm 21/11, Hội đồng Quân sự Tối cao, lần đầu tiên kể từ khi các vụ bạo lực xảy ra, đã thừa nhận rằng Ai Cập đang trong cảnh “khủng hoảng”. Hàng chục nghìn người Ai Cập vẫn tiếp tục tập trung tại quảng trường Tahrir để đòi quân đội rời bỏ quyền lực, cáo buộc lực lượng này tìm cách “cắm rễ” và kéo dài hệ thống trấn áp mà Tổng thống Hosni Mubarak để lại.
Nhiều vụ đụng độ đã xảy ra tại các thành phố Alexandrie và Port-Said (phía Bắc), Suez, Qena (miền Trung), Assiut Aswane (phía Nam) cũng như tại tỉnh Daqahliya thuộc đồng bằng Nil. Bối cảnh khủng hoảng này gây nên những nghi ngại rằng, các cuộc tổng tuyển cử được dự kiến bắt đầu từ tuần tới và diễn ra trong nhiều tháng sẽ nhuốm màu bạo lực.
Phúc Lợi (Theo AFP, BBC)