Góc khuất cuộc đời nữ điệp viên chuyên dùng thân xác để moi tin mật

(PLO) -Nhiều người nói rằng, chính những bất hạnh trong cuộc sống đã đẩy Mata Hari trở thành biểu tượng của sự phản bội của những cô nhân tình, cùng lúc qua lại với nhiều người, lừa dối người này để moi tin cho người kia. 
Mata Hari.
Mata Hari.

Phiên tòa đầy phẫn nộ

Tháng 7/1917, người dân Pháp sôi sục trước phiên tòa xét xử nữ vũ công thoát y người Hà Lan tên Margaretha “Gretha” MacLeod, hay được biết đến nhiều hơn với tên gọi Mata Hari. Phiên tòa diễn ra trong bối cảnh dư luận Pháp đang sôi sục giận dữ trước việc quân đồng minh liên tục thất bại trong việc ngăn chặn đà tấn công của quân Đức.

Chỉ ít ngày trước đó, họ đã thua trận nặng nề. 17 tàu chiến bị đánh đắm và 20.000 binh sỹ bỏ mạng. Ở hậu phương, cảnh đói khổ nheo nhóc hiện hữu khắp nơi khiến người dân vô cùng mệt mỏi, phẫn nộ. 

Theo tuyên bố của giới chức Pháp, chính Mata Hari – một phụ nữ bị chồng bỏ và là một vũ công thoát y nổi tiếng trăng hoa khắp châu Âu - đã chuyển các tài liệu mật về các hoạt động binh sỹ, khí cụ của Pháp và quân đồng minh cho Đức, khiến họ liên tiếp bị đánh bại dù thực tế thì Mata Hari đã bị bắt giữ từ 2 tháng trước.

Các chuyên gia về sau nhận định những thất bại trên chiến trường là do quân đồng minh đã không đưa ra được phương án tác chiến phù hợp và không đánh giá đúng đối thủ nhưng ở thời điểm diễn ra phiên tòa, để che giấu những sai lầm của mình, giới chức Pháp buộc phải tìm ra được một chỗ để đổ lỗi và Mata Hari chính là vật thế mạng đó.

Tại phiên tòa diễn ra ngày 24/7/1917, với việc bị cáo thừa nhận đã nhận tiền từ một người đàn ông Đức – mà theo cơ quan công tố là tiền chi trả cho hoạt động gián điệp, tòa án binh của Pháp đã mất chưa đầy 45 phút để đưa ra được phán quyết có tội cùng bản án tử hình đối với Mata Hari. Chỉ chưa đầy 2 tháng sau phiên xét xử, Mata Hari đã bị thi hành án. 

Cuộc hôn nhân bất hạnh

Mata Hari tên thật là Margaretha Geertruida, sinh năm 1876 trong một gia đình chuyên bán đồ trang sức có tiếng giàu có ở Friesland, Hà Lan. Tuy nhiên, biến cố ập đến với gia đình bà khi bà vừa bước vào tuổi niên thiếu. Do không có kiến thức nhưng lại thích làm liều, cha của bà đã đổ cả gia sản đầu tư vào lĩnh vực dầu khí.

Thất bại thảm hại và đẩy cả gia đình vào cảnh túng quẫn nhưng người cha lại thản nhiên bỏ mặc vợ con ở lại chịu trận còn bản thân trốn tới Hague. Chật vật làm đủ nghề để nuôi con và trang trải nợ nần khiến người mẹ bị lao lực và qua đời khi Mata Hari mới chỉ 15 tuổi. Không còn cha mẹ, bà và 2 người em trai bị chia tách và được gửi tới những người họ hàng khác nhau coi sóc.

Năm 18 tuổi, Mata Hari tình cờ đọc được mẩu tin tìm bạn đời của viên sỹ quan Rudolph “John” MacLeod trên báo và quyết định chớp lấy cơ hội này để đổi đời. Để rồi, chỉ sau 4 tháng thư từ qua lại, bà quyết định tiến tới hôn nhân với người đàn ông này, bất chấp việc ông ta hơn gấp đôi tuổi mình. Nhưng, đó thực sự là một quyết định sai lầm của Mata Hari, bởi như mô tả của một người họ hàng thì với cuộc hôn nhân đó bà “chỉ là chuyển từ tay một người cha vô lại sang một người chồng đểu cáng”. 

Ngay từ đầu, cuộc hôn nhân của họ đầy trắc trở do Rudolph là một gã đàn ông vô cùng cục súc, thô bỉ, nghiện rượu nặng và còn có thêm tật trai gái. Khi Mata Hari mang bầu đứa con thứ 2, bà thậm chí còn bị lây bệnh giang mai từ chồng. Không chỉ vậy, Rudolph còn có những sở thích tình dục bệnh hoạn, mà như lời Mata Hari từng kể với những người tình của mình, ông ta còn cắn đứt cả 2 núm vú của vợ khi ân ái.

Dù vậy nhưng thảm kịch thực sự chỉ đến vào năm 1898, khi vú em chăm sóc con cho cặp vợ chồng vì quá tức giận với cách đối xử của Rudolph nên đã đầu độc con trai và con gái của họ khiến cậu con trai cả Norman tử vong, còn bé gái tên Non may mắn sống sót. Vụ việc đã khiến quan hệ giữa Mata Hari và chồng càng trở nên căng thẳng hơn. Họ sống được với nhau thêm 2 năm nữa rồi quyết định chia tay.

Khi ra tòa ly hôn, Mata Hari được trao quyền nuôi con nhưng người chồng sau đó từ chối trả tiền cấp dưỡng cho con. Không người thân thích, không nghề nghiệp, sau khi một thời gian chật vật, Mata Hari buộc phải trao lại con cho chồng nuôi dưỡng để tới Paris tìm kế sinh nhai. 

Khởi đầu một huyền thoại

Tới Paris vào năm 1902, thời gian đầu, Mata Hari tìm mọi cách để kiếm tiền, từ dạy piano, tiếng Đức, tới làm việc trong cửa hàng tiện ích rồi sau đó là ngồi làm mẫu vẽ. Về sau, bà quyết định hành nghề múa thoát y, kết hợp khéo léo giữa việc dùng chính thân thể của mình để thỏa mãn những con mắt hiếu kỳ với những điệu múa lạ của phương Đông mà bà học lỏm được khi ở Malaysia cùng chồng để thu hút khán giả. Nghệ danh Mata Hari – có nghĩa ánh sáng mặt trời - ra đời trong chính thời gian này.

Mata Hari.
Mata Hari.

Chính sự khác lạ và táo bạo trong biểu diễn cùng những bức hình đầy khiêu khích đã Mata Hari nhanh chóng nổi danh như cồn. Một nhà báo khi đó miêu tả Mata Hari như sau: “vô cùng nữ tính, vô cùng uyển chuyển. Mỗi bước đi hay cử động của cơ thể cô ấy là kết hợp của cả hàng ngàn nhịp điệu”.

Rất nhiều người đàn ông vì mê mẩn thân hình đầy đặn và những điệu nhảy lả lơi của Mata Hari đã tìm đến bà ta, sẵn sàng chi rất nhiều tiền chỉ để lấy lòng người đẹp, trong đó có nhiều người là những chính trị gia hay những quan chức quân sự của các nước. Nhà ngoại giao Pháp Jules Cambon và Thái tử Đức lúc bấy giờ được cho là cũng rất si mê Mata Hari. 

Nghề múa vốn không có tuổi thọ dài, hơn nữa Mata Hari lại bắt đầu sự nghiệp khi đã không còn trẻ. Vì thế nên chỉ vài năm sau đó, khi những nữ vũ công trẻ đẹp hơn đã học được những điệu múa của bà và bắt đầu tham gia biểu diễn, số suất diễn của Mata Hari cứ thưa thớt dần. Đến lúc này, tình dục chính thức trở thành một kênh kiếm tiền của bà ta. Bà ta bắt đầu quyến rũ các quan chức chính phủ hay quân đội và sẵn sàng ngủ với họ để có thêm thu nhập. 

Chiến tranh thế giới I nổ ra khi Mata Hari đang ở Đức nhưng bà vẫn ngây thơ không nắm được tình hình và nộp hồ sơ xin tới Pháp, dẫn tới việc bị giới chức Đức thu giữ hết trang sức, quần áo và tiền bạc.

Không còn gì trong tay, bà ta trở về Hà Lan và được một nhân tình sắp xếp cho nơi ăn chốn ở. Nhưng, thay vì ở đó đợi chiến tranh kết thúc, Mata Hari vẫn tiếp tục thường xuyên đi lại tới các nước như Anh, Pháp để thăm bạn bè, khiến tình báo Anh nghi ngờ bà là điệp viên của Đức. 

Biểu tượng của phản bội?

Từng kiếm sống trên sự nhẹ dạ của những người đàn ông nhưng bản thân Mata Hari cũng không tránh khỏi được tình cảnh tương tự. Năm 1916, bà gặp một viên đại úy 21 tuổi người Nga và yêu anh ta đến cuồng dại. Khi người tình bị thương dẫn đến bị mù 1 phần, bà đã bất chấp nguy hiểm để đến bệnh viện gần chiến trường gặp người tình.

Tại đây, bà tình cờ gặp một sỹ quan phản gián người Pháp và được người này đề nghị bà dùng mối quen biết với giới chức Đức để làm gián điệp cho Pháp. Mata Hari sau đó chấp thuận đề nghị với hy vọng sẽ kiếm được một số tiền lớn để có thể sống một cuộc sống mới với tình yêu mới của mình. 

Để thực hiện nhiệm vụ trên, Mata Hari bắt đầu làm thân và qua lại với một tùy viên quân sự của Đức hòng khai thác thông tin gửi cho Pháp. Tuy nhiên, trong quá trình đó, Mata Hari lại bị viên quan chức Đức dụ dỗ và nhận lời làm gián điệp cho Đức, cùng lúc qua lại với các quan chức của cả Pháp và Đức để moi tin rồi chuyển cho bên kia. 

Nhưng, theo một số sử gia, thực chất Đức từ đầu đã nghi ngờ Mata Hari là điệp viên của Pháp và chỉ giả vờ chiêu mộ bà ta để mượn tay chính người Pháp triệt tiêu người phụ nữ này. Vì thế nên chỉ ít lâu sau khi tuyển mộ Mata Hari, tình báo Đức đã cố tình gửi thư mật liên lạc với bà ta với những mật mã mà họ biết chắc người Pháp sẽ đọc được. Ngày 13/2/1917, khi trở về Paris, Mata Hari đã bị bắt giữ và bị tống giam về tội làm gián điệp cho địch. 

Trong quá trình thẩm vấn, bà ta khai nhận đã nhận của một nhà ngoại giao Đức 20.000 franc để thu thập thông tin tình báo cho nước này. Tuy nhiên, bà khẳng định chưa bao giờ phản bội nước Pháp.

“Một con điếm, tôi thừa nhận. Nhưng một gián điệp cho Đức thì không bao giờ” – bà từng nói. Dù vậy nhưng như đã nói ở trên, vào thời điểm nhạy cảm như năm 1917, Mata Hari trở thành vật thế thân hoàn hảo cho giới chức Pháp và bà vẫn bị xử tử sau đó.../.

Đọc thêm