“Ăn theo” nỗi đau

(PLVN) - Mới đây, một Youtuber đã livestream nói về sự ra đi của nghệ sĩ Chí Tài với ngôn từ thiếu tôn trọng và có thông tin sai lệch về cuộc sống cá nhân của nghệ sĩ. Youtuber này còn “cãi tay đôi” với những người có ý kiến trái chiều.
Nhiều người lợi dụng việc nghệ sĩ Chí Tài qua đời để tạo ra nội dung câu view phản cảm.
Nhiều người lợi dụng việc nghệ sĩ Chí Tài qua đời để tạo ra nội dung câu view phản cảm.

Câu chuyện không dừng ở đó khi hàng loạt Youtuber khác đòi “kéo giang hồ đến đấu tay đôi” sau phát ngôn trên và kêu gọi cộng đồng mạng theo dõi thông tin livestream của “trận đấu” này. Việc làm của Youtuber bị đánh giá là để câu view.

Một số nghệ sĩ trẻ, chưa thành danh cũng đăng đàn “ăn theo” với những câu chuyện không rõ thực hư liên quan đến nghệ sĩ Chí Tài. Trong đó có người đã bị “vạch trần” khi kể kỉ niệm từng thân thiết với cố nghệ sĩ, nhưng thực tế anh này chỉ đến xin chụp ảnh chung một lần với tư cách người hâm mộ.

Những tình huống tương tự cũng xảy ra sau sự ra đi của một số nghệ sĩ danh tiếng trước đó. Như một số trang điện tử từng “tung tin” cố nghệ sĩ Mai Phương qua đời vì sốc thuốc... Một số người thì tranh thủ đăng đàn tư vấn trực tuyến về pháp lý liên quan đến việc phân chia tài sản đã bị dư luận phản ứng…

Ngoài mục đích “câu view” gây chú ý, nhiều trang bán hàng online vừa qua còn chia sẻ về việc nghệ sĩ Chí Tài ra đi do đột quỵ để quảng cáo bán thực phẩm chức năng. Thuốc V. - một trang chuyên kinh doanh thực phẩm chức năng đã đăng thông tin như sau: “Nghệ sĩ Chí Tài đột quỵ: Đừng để nước đến chân mới nhảy”. Mục đích sau đó là khẳng định sản phẩm chức năng mình đang kinh doanh có khả năng đả thông mạch máu, ngăn ngừa 99% nguy cơ tai biến, đột quỵ…

Một số người kinh doanh sản phẩm giải độc cơ thể cũng nhân cơ hội quảng bá sản phẩm có khả năng chống đột quỵ. Cạnh đó, thông tin “thử khả năng đột quỵ” bằng cách đứng một chân trong vòng 20 giây được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, hàng loạt người tham gia thử nghiệm và hoang mang, khiến các bác sĩ cũng phải lên tiếng “đính chính”.

Hay trước đây, sau sự ra đi của nghệ sĩ Trần Lập, một người đại diện cho hãng bảo hiểm đã lấy sự việc vợ con Trần Lập được nhận tiền bảo hiểm để quảng cáo về độ “ưu việt” của bảo hiểm và phê phán những nghệ sĩ mất đi khi chưa chịu đóng bảo hiểm.

Hoặc hàng loạt trang quảng bá thuốc trị ung thư, thực phẩm thực dưỡng ngăn ngừa ung thư sau khi nữ nghệ sĩ Mai Phương mất. Những người bán này vừa dùng hình ảnh thông tin người chết để câu khách, vừa đưa những thông tin sai lệch kiến thức về y học, gây nhầm lẫn, lừa dối khách hàng để thu lợi.

Mặt trái sự phát triển của mạng xã hội đã gây nhiều hệ lụy, thậm chí “ăn theo” nỗi đau của cộng đồng để “câu view”, kiếm lợi, cần lên án.

Đọc thêm