Bài học Ấn Độ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ ngày mai, Việt Nam chính thức bước vào kỳ nghỉ lễ dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) và Ngày Quốc tế lao động (1/5). Trong khi một số người dân có tâm lý muốn đi du lịch trở lại cho bớt “cuồng chân”, một số địa phương đã bất ngờ thông báo hủy nhiều sự kiện lễ hội, hủy kế hoạch bắn pháo hoa…
Bài học Ấn Độ

Một số ý kiến cho rằng động thái trên là “khắt khe”, là “chưa chuẩn” so với chủ trương vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Nhưng số đông ý kiến thì lại không như vậy.

Bài học từ Ấn Độ đã nhãn tiền. các lễ hội, hoạt động văn hóa và tâm linh, đông người đã đẩy đất nước này vào vực thẳm đại dịch. 

Trong cuộc bầu cử chính phủ mới ở Bengal kể từ ngày 27/3 đến 29/3, người dân tụ tập thành đám đông, một số nơi biểu tình. Sau sự kiện này, chỉ ngày 1/4 tổng số ca nhiễm Ấn Độ ghi nhận lên đến 12.000 người, trong đó riêng lễ hội Kumbh Mela tắm trong sông Hằng đã hơn 2.000 ca. Có thời điểm, số ca mắc mới trong 24 giờ ở đất nước này đã lên tới hơn 323.000 ca. 

Tại các nước láng giềng với chúng ta, Lào ghi nhận thêm 113 ca mắc mới. Tổng số ca ở Campuchia đã vượt 10.000, với hơn 580 ca nhiễm trong ngày 26/4. Tại Thái Lan, thủ đô Bangkok đang là tâm điểm với 9.076 ca mắc mới từ đầu tháng 4/2021. Chính quyền Bangkok bắt buộc người dân đeo khẩu trang, đóng cửa 31 loại hình kinh doanh trong hai tuần kể từ 26/4… Một trong các nguyên nhân chính đến từ sự chủ quan, không đeo khẩu trang và các sự kiện lễ hội tập trung quá đông người. 

Ngay tại Việt Nam, đã phát hiện các ca nhiễm nhập cảnh trái phép. Kết quả xét nghiệm gene các ca nhiễm từ Campuchia về ghi nhận mang biến chủng Anh và Nam Phi. Đây là hai biến chủng có khả năng lây lan rất mạnh. Nếu để lọt ca nhiễm vào cộng đồng sẽ lây lan nhanh, khó kiểm soát.

Sự bùng nổ các ca mắc ở nhiều quốc gia cho thấy đại dịch vẫn tiếp tục nghiêm trọng hơn và con đường phía trước còn rất dài. Chúng ta cần phải tiếp tục cảnh giác, không được chủ quan.

Việt Nam được đánh giá đã ứng phó thành công với đại dịch và được thế giới ghi nhận. Thành công này là kết quả của sự đầu tư dài hạn vào an ninh y tế mà Chính phủ và các đối tác đang duy trì nhằm giữ vững đà ứng phó đã đạt được.

Chúng ta cần tiếp tục giữ cao cảnh giác và tích cực thực hiện các hoạt động đánh giá nguy cơ. Đồng thời, cần chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng dịch bùng phát trở lại trong lúc Covid-19 đang leo thang trên toàn cầu, trong khu vực và ở các nước láng giềng như Campuchia, Lào.

Hãy vì chuyện lớn, vì tầm nhìn xa, đừng “làu bàu” chỉ vì một chuyến đi chơi mà quên mất có thể xảy ra hậu quả khôn lường. 

Đọc thêm