“Bạn ngoài xã hội”

(PLVN) - Có một mối lo ngại thực sự, thường trực trong đời sống xã hội của chúng ta hiện tại là cách xử sự theo kiểu giang hồ, xã hội đen ở các vụ việc giải quyết xung đột, tranh chấp, mâu thuẫn với nhau.
Nhóm người bịt mặt, cầm gậy ba khúc gây hấn với tài xế trong xe qua trạm BOT Phước Tượng - Phú Gia
Nhóm người bịt mặt, cầm gậy ba khúc gây hấn với tài xế trong xe qua trạm BOT Phước Tượng - Phú Gia

Đáng lo ngại nhất là trong hoạt động của nhân viên công quyền lại lảng vảng bóng dáng của giới giang hồ. Dẫn chứng rõ ràng nhất là vụ Cảnh sát giao thông gọi côn đồ đến đánh người vi phạm cự cãi mình và hậu quả là nạn nhân bị chết. Phiên tòa phúc thẩm vừa khép lại đã xử cựu sỹ quan Cảnh sát giao thông này cùng “bạn ngoài xã hội” 12 năm tù, cái giá phải trả cho việc sử dụng côn đồ trong việc thực thi pháp luật.

Đã không ít lần báo chí phản ánh về “những kẻ lạ mặt” hầm hố đứng cạnh những chốt kiểm tra giao thông, sẵn sàng “giúp đỡ” khi cần và có những nạn nhân đã bị đánh, bị đe dọa,... Cách hành xử này đã làm xấu đi rất nhiều hình ảnh của những người thực thi công vụ, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực giao thông.

Mới đây nhất, những phụ huynh trong vụ “sán lợn” ở Bắc Ninh phản ứng hoặc lên tiếng với thực phẩm bẩn trong nhà trường của con em họ đã bị những kẻ lạ mặt tìm đến tận nhà chỉ mặt chửi bới và đe dọa hành hung.

Hay ở các trạm thu phí giao thông BOT cũng thường xuất hiện những đối tượng gây hấn với các tài xế, không chỉ đe dọa mà còn đuổi đánh, đập phá xe. Vừa rồi, Công an đã khởi tố vụ án đối với một nhóm người có hành vi này, đó là một động thái cần thiết,cảnh báo những kẻ quá khích và côn đồ trong việc giải quyết xung đột dân sự.

Người ta cũng thấy xuất hiện những nhóm người bặm trợn, có hành vi côn đồ trong giải quyết tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, phản đối gây ô nhiễm môi trường hoặc xe quá tải, quá khổ chạy suốt ngày đêm qua khu dân cư, khai thác cát trái phép giữa doanh nghiệp với dân cư trên địa bàn, đã xảy ra các cuộc hỗn chiến giữa dân và các nhóm này.

Hiện tượng doanh nghiệp dùng “xã hội đen” giải quyết các xung đột với dân không phải là hiếm thấy. Ngay cả những tranh chấp quyền lợi giữa những cư dân trong chung cư với chủ đầu tư cũng xuất hiện những nhóm côn đồ vào phá bĩnh, đe dọa, khiêu khích.

Những hành vi côn đồ lộng hành này là hệ lụy của hoạt động bảo kê trong đời sống xã hội. Đã là người của Nhà nước, thực thi công vụ, bảo vệ pháp luật thì không thể kết giao với những “bạn ngoài xã hội” là lưu manh, côn đồ hoặc băng nhóm “xã hội đen”.

Những hiện tượng nêu trên thể hiện cách hành xử chẳng những vô văn hóa mà còn vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an toàn và trật tự xã hội, xâm hại trực tiếp đến vai trò điều chỉnh các quan hệ xã hội bằng pháp luật, đi ngược với xu thế xây dựng đời sống văn minh, văn hóa như vậy không thể để tồn tại trong xã hội của chúng ta! 

Đọc thêm