Bụi mịn đến từ đâu?

(PLVN) - Nhiều ngày qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, số lượng phương tiện cơ giới lưu thông trên đường phố giảm rõ rệt. Có điều, dù một trong những “thủ phạm chính” gây ra ô nhiễm không khí (như Bộ TN&MT từng đánh giá) đã bị “triệt tiêu” tạm thời, nhưng chất lượng không khí (AQI) tại nhiều tỉnh miền Bắc vẫn rất tệ.
Chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội vẫn ở mức có hại cho sức khỏe trong nhiều ngày qua.
Chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội vẫn ở mức có hại cho sức khỏe trong nhiều ngày qua.

Sáng 21/2, AQI trung bình tại 11 trạm quan trắc tại Hà Nội đổi màu tím, chỉ dấu ảnh hưởng tới sức khỏe. Chỉ số đo bụi mịn Pm 2.5 cao không kém. Không chỉ Hà Nội, mà nhiều tỉnh miền Bắc, chất lượng không khí cũng ở tình trạng rất xấu tới nguy hại.

Ô nhiễm không khí như vậy còn có nguyên nhân từ thời tiết mưa phùn, sương mù, ít gió… khiến bụi mịn không bị xua đi. Có điều phương tiện đã lưu thông ít đi như nói ở trên, vậy bụi mịn từ đâu ra? Người ta lại nhớ đến những tranh cãi quyết liệt lâu nay về “nghi án” những nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm.  

Nhìn trên bản đồ, có thể thấy trong bán kính chưa đầy 200km quanh Hà Nội, ít nhất 20 nhà máy nhiệt điện đang ngày ngày xả khói mù mịt. Đại diện một nhà máy cho rằng: “Sau khi qua ống khói cao 215m ra ngoài, khí thải không gây ảnh hưởng ngoài bán kính 10km tính từ chân ống khói”. Chuyên gia môi trường phản bác ý kiến trên: “Thực tế vẫn có một lượng lớn bụi PM 2.5 bay ra ngoài” và đề xuất “để cứu bầu không khí, một trong những việc cần làm đầu tiên là giảm thiểu, tiến tới đóng cửa các nhà máy nhiệt điện”.

Có lẽ vấn đề quá phức tạp và “nhạy cảm” nên trong một cuộc họp bàn các biện pháp cấp bách cải thiện chất lượng không khí, đến Bộ trưởng TN&MT cũng tỏ ra khá thận trọng khi nói về các nhà máy nhiệt điện than: “Tôi chưa nhận định ô nhiễm ở Hà Nội có liên quan đến nguồn này... Nếu nói về không khí chung cả nước thì đương nhiên nguồn sử dụng nguyên liệu hóa thạch là phát thải ra khí nhà kính và bụi mịn”.

Quả là một “bài toán khó”, khi điện nguyên tử cả thế giới đã dần “tẩy chay”, điện gió hay điện mặt trời thì “đỏng đảnh”, thủy điện cũng có không ít mặt trái. Ví dụ nếu dừng các nhà máy điện than ngay, đất nước lấy đâu ra điện sử dụng?

Những tranh cãi nêu trên, đã đến lúc tự động chấm dứt mà không cần cơ quan môi trường kết luận, vì những ngày này “ít xe vẫn ô nhiễm không khí”, ai cũng đã hiểu bụi mịn đến từ đâu. Còn một minh chứng quan trọng nữa. Mới đây, tại Nghị quyết 55 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 do Bộ Chính trị ban hành, đã nêu rõ: “Điện than sẽ phát triển ở mức hợp lý, ưu tiên sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có kế hoạch sớm triển khai nâng cấp công nghệ các nhà máy điện than hiện có”.

Định hướng trên của Nhà nước đã được nhân dân và các chuyên gia ủng hộ, như một người đánh giá: “Phát triển kinh tế trước, cải thiện môi trường sau là tư duy lạc hậu. Ngày nay có rất nhiều công nghệ hiện đại, cho phép chúng ta song song thực hiện cả hai mục tiêu trên”.

Đọc thêm