Câu hỏi “muôn thuở”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại buổi tiếp xúc với ứng viên đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội TP HCM nhiệm kỳ 2021-2026 của đơn vị bầu cử số 4 (quận 1) diễn ra sáng qua (14/5), một lần nữa vấn đề xử lý nạn cướp giật trên đường phố lại được cử tri nhắc đến. 
Câu hỏi “muôn thuở”

Nạn cướp giật tung hoành trên đường phố Sài Gòn. Theo nhiều ý kiến, loại tội phạm này nhiều nơi khác cũng có, nhưng ở TP HCM chiếm tỷ lệ cao nhất.

Tại buổi tiếp xúc với ứng viên đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội TP HCM nhiệm kỳ 2021-2026 của đơn vị bầu cử số 4 (quận 1) diễn ra sáng qua (14/5), một lần nữa vấn đề này lại được cử tri nhắc đến. Nhiều cử tri nhận định thời gian qua, tội phạm cướp giật ngày càng manh động, đề nghị cần giám sát đẩy mạnh kịp thời các biện pháp cần thiết, mang lại an toàn cho xã hội. 

Đại diện các ứng cử viên tiếp thu ý kiến, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết thời gian qua, TP luôn xem nhiệm vụ giữ ổn định an ninh trật tự là việc trọng yếu, thường xuyên. Tuy nhiên, ông Phong thừa nhận hiện TP còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp về trật tự xã hội. Phân tích về tình trạng cướp giật hiện nay, ông Phong cho rằng có nguyên nhân từ vấn đề ma túy diễn biến phức tạp. TP không còn là nơi trung chuyển mà vừa sản xuất, vừa trung chuyển, vừa tiêu thụ ma túy. Ông Phong khẳng định ngành công an đang "nằm gai nếm mật" để bắt giữ tội phạm vì ma túy sẽ tác động rất nhiều đến thế hệ trẻ, là mầm mống gây ra nhiều loại tội phạm khác.

Bốn năm trước đây, hồi cuối năm 2017, tại một hội thảo khoa học do TP HCM tổ chức, Thượng tá Nguyễn Thế Lâm, Phó Phòng Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp, Công an TP HCM, đã nêu những trăn trở về tội phạm cướp giật. Chính quyền TP đã thực hiện nhiều giải pháp để kéo giảm song loại tội phạm này vẫn còn gây bức xúc cho người dân. Tội phạm này không những xâm phạm quyền tài sản của dân mà còn gây nguy hiểm cho nạn nhân, đặc biệt với những nạn nhân đi xe máy khi bị cướp giật có thể bị té ngã, gây tổn hại sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Ngoài ra, trong quá trình tẩu thoát, tội phạm này cũng có thể gây ra nhiều hệ quả xấu cho người đi đường.

Hồi cuối tháng 3/2016, Trung tướng Lê Đông Phong, khi đó là Giám đốc Công an TP, tại Hội nghị lần 4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa 10, đã có nhận định cụ thể hơn: “Đa số đều là những đối tượng nghiện hút, thất nghiệp từ đó lôi kéo nhau cùng đi cướp giật”. Tướng Phong khi đó nhận định tình hình sẽ không thể cải thiện căn cơ nếu TP không có những giải pháp đồng bộ từ nhiều ngành, đơn vị bởi “khi ra quân tội phạm sẽ giảm, nhưng khi chúng ta rút quân thì mọi việc đâu lại vào đấy”.

Đây không phải là lần đầu Công an TP thừa nhận điều này, ngay trước đó 3 ngày, trong cuộc họp tổng kết 1 tháng cao điểm trấn áp tội phạm, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang (Trưởng phòng Tham mưu Công an TP; nay ông Quang là PGĐ Công an TP) cũng nhấn mạnh rằng thủ phạm chủ yếu của các vụ cướp giật nằm trong số những người nghiện.

Nghiện hút và cướp giật gắn với nhau “như hình với bóng”, “như môi với răng” như vậy. Nguyên nhân đã được xác định rõ ràng từ rất nhiều năm nay như vậy. Thế nhưng vì sao tội phạm cướp giật vẫn lộng hành? 

Trả lời câu hỏi trên, nhiều ý kiến cho rằng trách nhiệm không chỉ thuộc về ngành công an. Những thay đổi liên tục trong hệ thống quy định pháp luật về phòng chống ma túy (PCMT) cho thấy những nhà làm luật hướng trách nhiệm lực lượng công an vào việc xử lý phần gốc của vấn nạn ma túy là khâu buôn bán, vận chuyển; còn việc xử lý phần ngọn (các đối tượng nghiện) là trách nhiệm của cả xã hội. Luật PCMT vừa được Quốc hội sửa đổi, tới đây sẽ có hiệu lực từ 1/1/2022. Và như vậy, câu hỏi khi nào tội phạm cướp giật mới thôi lộng hành, còn phải đợi một thời gian nữa mới có thể trả lời.

Đọc thêm