Chuyện khó tin nhất

(PLVN) - Trong nhiều câu chuyện đáng bàn hiện nay, có những chuyện đáng tin, có những chuyện không đáng tin. Chuyện cán bộ thuộc diện phải kê khai tài sản (KKTS) là khó tin nhất. Có thể hiểu như thế nào nhỉ? Một là, cán bộ có chức có quyền đã quá “nêu gương” trong KKTS; hai là, đã quá gian dối trong KKTS. Không ai mong muốn khả năng thứ 2 xảy ra...
Hình minh họa
Hình minh họa

Thanh tra Chính phủ vừa hoàn tất báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2019 trình Chính phủ để gửi tới kỳ họp Quốc hội sắp tới. Theo đó, số người đã KKTS, thu nhập trong năm 2019 là trên 1,08 triệu người, đạt tỷ lệ 99,9% so với tổng số người phải kê khai; có 46 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập. 

Qua việc xác minh của cơ quan có thẩm quyền phát hiện 10 trường hợp vi phạm và đến nay đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp, đang xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp. Tức là, phát hiện ra 1% vi phạm. Con số này cũng như mọi năm, ở báo cáo cấp Trung ương và một số địa phương.

Ví dụ, năm 2018 hơn một triệu người KKTS sản chỉ phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Ngay tại Hà Nội, năm 2018, qua báo cáo của trên 34.300 người, chỉ phát hiện có một trường hợp kê khai không trung thực.

Trong nhiều câu chuyện đáng bàn hiện nay, có những chuyện đáng tin, có những chuyện không đáng tin. Chuyện cán bộ thuộc diện phải KKTS là khó tin nhất. Có thể hiểu như thế nào nhỉ? Một là, cán bộ có chức có quyền đã quá “nêu gương” trong KKTS; hai là, đã quá gian dối trong KKTS. Không ai mong muốn khả năng thứ 2 xảy ra.

Xây dựng ra cả một đạo luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và đã được sửa đi sửa lại nhiều lần, trong đó một quy định yêu cầu cả triệu cán bộ, công chức phải kê khai tài sản, thu nhập để kiểm tra, xác minh hàng năm, khi có biến động tài sản, nếu anh không giải trình được nguồn gốc thì đó chính là dấu hiệu tham nhũng. Nhưng lại bỏ công cụ đó đi, không dùng đến, hoặc dùng đến nhưng rất đối phó, làm cho có thì PCTN thế nào?

Phải thừa nhận rằng, công tác PCTN những năm qua đã có chuyển biến tích cực, nhiều vụ vi phạm, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước được phát hiện và xử lý nghiêm minh, đã thể hiện nhất quán quan điểm “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Hiệu quả là tiếp tục tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, được dư luận đánh giá cao, củng cố lòng tin của nhân dân vào quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, còn một số hạn chế, tồn tại trong công tác PCTN vẫn chưa có giải pháp để khắc phục triệt để. Trong các hạn chế đó, bi hài nhất là KKTS.

Nhiều cán bộ có chức, có quyền trong bộ máy nhà nước giàu có nhưng khi KKTS ai cũng nghèo. Nguyên nhân thì ai cũng biết.

Khi sửa đổi Luật PCTN (sửa đổi) năm 2018 cơ quan lập pháp đã không thống nhất được nội dung xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc; tuy nhiên yêu cầu PCTN cho thấy, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung tội danh làm giàu bất chính, thông qua việc hình sự hoá một số hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng trong việc kê khai và kiểm soát việc KKTS. Bởi rất khó chờ “nêu gương”.

Đọc thêm