Cư xử có văn hóa không phụ thuộc vào trình độ hay chức vụ

(PLVN) - Cưới được coi là việc hỷ – vui và cũng là chuyện hệ trọng của mỗi con người trong quan niệm truyền thống: quan, hôn, tang, tế (trưởng thành, cưới, chết, thờ cúng), những việc này luôn luôn là lễ trọng. Dẫu thời cuộc có đổi thay thì nghi thức cưới hỏi vẫn giữ những bước cơ bản nếp xưa, dẫu có “tinh giản” ít nhiều.
Hạnh phúc của cả đời và sự bền vững hôn nhân của vợ chồng không phụ thuộc vào đám cưới của họ to hay nhỏ
Hạnh phúc của cả đời và sự bền vững hôn nhân của vợ chồng không phụ thuộc vào đám cưới của họ to hay nhỏ

Tuy nhiên, cũng tùy thời và tùy hoàn cảnh mà lễ cưới được tổ chức trang trọng hay đơn giản nhưng rõ ràng, hạnh phúc của cả đời và sự bền vững hôn nhân của vợ chồng không phụ thuộc vào đám cưới của họ to hay nhỏ.

Thời chiến tranh những đám cưới chỉ có trà, thuốc tại sân kho hợp tác xã mà cả xóm vui. “Lúa đồng đang gặt rộ/Cau chín ngang mái nhà/Gió heo may gọi rét/Cây rơm vàng như hoa/Chú rể là bộ đội/Về phép rồi đi xa/Cô dâu bằng lòng cưới/Má ửng lên thẹn thò/... Loáng cái sân hợp tác/Đã chăng đèn kết hoa/Các cụ ông say thuốc/Các cụ bà say trầu/còn con trai, con gái/Chỉ nhìn mà say nhau...” (Phan Thị Thanh Nhàn).

Sau năm 1975, có phong trào “nếp sống mới” thực hiện với cưới xin tại ngay trụ sở UBND xã, có đến vài cặp đến đăng ký kết hôn cùng lúc, tổ chức ngay tại đó và sau đó không còn tiệc cưới nữa, kể cả vài mâm liên hoan. Nhiều cặp vợ chồng ngày đó vẫn “bách niên giai lão”, con cháu đề huề đến tận bây giờ. Theo “An nam phong tục” của cụ Phan Kế Bính thì đám cưới ngày trước thường tổ chức vào đêm, đón rước dâu ngay và “động phòng hoa chúc”.

Thời hiện đại, khi đời sống vật chất đầy đủ hơn và nhất là sống trong cảnh hòa bình thì đám cưới “nếp sống mới” không còn nữa mà thay vào đấy là phong trào “đời sống văn hóa”. Nông thôn trở lại cái mà từng bị phê phán là “hủ tục”, đám cưới kéo dài đến mấy ngày, từ dựng rạp đến dỡ rạp, mời cả xã, bất cứ thân hay sơ, ăn từ 8 giờ sáng đấn 4 giờ chiều, chia thành nhiều đợt, tệ nhất là bị mời ăn vào lúc 2 giờ chiều giữa mùa hè nóng nực, bị tra tấn chứ ăn uống vui vẻ gì.

Không còn khái niệm mùa cưới nữa, chỉ trừ tháng bảy âm lịch ra, còn mùa nào người ta cũng cưới. Đám cưới ngày càng to, thực khách mời càng nhiều.

Chán thay, những cán bộ lãnh đạo địa phương to nhỏ lại đi đầu trong chuyện này, bà con cứ thế noi theo, chiều hướng ngày càng xấu đi. Đã có chỉ thị hạn chế số lượng mâm cỗ nhưng có ai tuân thủ đâu. Nếp sống văn minh đô thị là dựng rạp cưới ra đường, cản trở giao thông, chẳng chính quyền nào can thiệp, đua nhau làm đám cưới to, hoành tráng với những dàn rước dâu bằng xe sang, mời ca sỹ “xịn” về hát.

Nông thôn thì bị tra tấn suốt đêm vì dàn karaoke trong đám cưới, ngay cả lúc ăn uống, trò chuyện mà âm nhạc chát chúa, đinh tai, nhức óc vẫn vang lên. Đi dự cưới mà không hề biết mặt cô dâu, chú rể là sự thường. Cưới để “trả nợ miệng”, để “thu hồi vốn” và nhằm “lợi nhuận tối đa” đã trở thành mục đích chứ không đơn thuần là chuyện chia vui nữa! Đáng lạ là những địa phương, gia đình đó vẫn nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” hay cả “Xã văn hóa” nữa (?!).

Những tiền đề trên để cho thấy, trào lưu đua nhau cưới thật to, phô trương đủ kiểu đang diễn ra và không có gì khó hiểu khi đại dịch xảy ra, người ta vẫn tổ chức những đám cưới linh đình, bất chấp những khuyến cáo và chỉ thị khẩn cấp phòng chống dịch bệnh.

Tiếc thay, những người đó lại là cán bộ lãnh đạo cần thiết phải gương mẫu. Chắc chắn họ tin rằng chẳng ai dám làm gì họ cả, sự bao biện và bao che cố hữu đã khiến họ không chỉ coi thường dư luận mà cả kỷ cương phép nước. Không có sự “thông cảm” nào ở đây cả, chỉ có sự lên án và dè bỉu. Những đám cưới như thế liệu có vui gì?

Đã có khái niệm “cưới chạy tang”, “cưới chạy thai” (bác sỹ bảo cưới) và bây giờ phải chăng lại xuất hiện “cưới chạy dịch”. Bên cạnh đó, những công dân bình thường hoặc hoãn cưới, hoặc tổ chức gọn nhẹ, chứng tỏ ý thức của họ hơn hẳn mấy ông “quan” hợm hĩnh kia. Họ đâu có cần đến thứ giấy khen biểu dương vì việc làm hết sức bình thường, hợp đạo lý và tuân thủ phép nước giữa mùa đại dịch này!

Thế mới rõ cách ứng xử văn hóa không lệ thuộc vào “trình độ văn hóa” hay làm “quan” hoặc tâm lý bầy đàn mà ở trong ý thức và nhân cách mỗi con người. Giả sử, nếu khen thưởng hay biểu dương về các ứng xử này thì đó là sự xúc phạm đến những người tự trọng, có văn hóa, ngược lại, nếu không xử lý đến nên đến chốn những người cố tình vi phạm quy chuẩn sống trong đại dịch thì cũng là sự xúc phạm không nhỏ đến những người tuân thủ pháp luật và tôn trọng mọi người chung quanh.

Đọc thêm