Đà Nẵng: Dự án KTX sinh viên phía Tây TP nhập nhằng việc thu hồi, đền bù nhà đất của người dân

(PLVN) - Dự án Khu Ký túc xá (KTX) sinh viên phía Tây TP Đà Nẵng trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu triển khai từ năm 2012 đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Một số hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất bất bình trước cách làm của cơ quan có thẩm quyền, đẩy họ vào hoàn cảnh cùng quẫn, khó khăn chồng chất.
Đà Nẵng: Dự án KTX sinh viên phía Tây TP nhập nhằng việc thu hồi, đền bù nhà đất của người dân

Khu đất trên đã được gia đình ông ông Mai Môi (ở tổ 4 Xuân Thiều, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) nộp thuế đất, thuế nông nghiệp từ năm 1987 và được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hòa Hiệp cấp giấy xác nhận đất khai hoang phục hóa ngày 25/10/2003.

Trong giấy xác nhận có chữ ký của Phạm Tấn Thạch (nguyên Trại trưởng Trại cá nước ngọt Bầu Tràm), ông Phạm Tấn Lang (tổ trưởng tổ 4 Xuân Thiều), ông Huỳnh Thanh Sơn (nguyên Chủ nhiệm HTX ), ông Mai Tấn Cơ (chủ xí nghiệp tư nhân Mai Tấn Cơ).

Trong đó, ông Cơ ghi rõ “năm 1990, xí nghiệp của tôi được giao hồ Bầu Tràm để nuôi trồng thủy sản theo Quyết định số 1263 (ngày 12/02/1990) của UBND huyện Hòa Vang. Tôi nhận hồ vào ngày 05/10/1990, thấy ông Mai Môi đã khai thác khu đất bên hồ Bầu Tràm và đào đất nuôi cá. Hai hồ này ngoài diện tích hồ Bầu Tràm do tôi quản lý. Tôi xác nhận đó là sự thật”.

Hiện trạng ngôi nhà của ông Môi đã bị phá dỡ
Hiện trạng ngôi nhà của ông Môi đã bị phá dỡ 

Đến năm 2012, hộ gia đình ông Môi được Chi cục Kiểm Lâm TP Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận đăng ký Trại nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã. Ông cho biết, thời gian đó do hoàn cảnh đông con, kinh tế gia đình không dư dả nên chưa dám nghĩ đến việc làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dù đã được cán bộ địa phương động viên, hướng dẫn.

Khi TP Đà Nẵng chuyển đổi Dự án Khu đô thị Công nghiệp Hòa Khánh thành Khu KTX Sinh viên thì toàn bộ khu đất của ông Mai Môi thuộc diện bị thu hồi.   

Ngày 12/12/2013, Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1 Đà Nẵng đưa ra Bảng tính giá trị đền bù cho ngôi nhà 187,3m2 là 85 triệu đồng. Còn 2.110mthì phải “đợi” đến ngày 26/08/2015, Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở TN&MT Đà Nẵng mới đưa ra mức đền bù chỉ 54 triệu đồng. Vợ chồng ông Môi cùng 10 người con, cháu choáng váng khi nhận được thông tin trên, khu đất mất bao công sức khai hoang, sống ổn định hơn 40 năm giờ gần như mất trắng.

Diện tích mặt nước của ông Mai Môi bị thu hồi với mức đền bù chỉ 54 triệu đồng.
Diện tích mặt nước của ông Mai Môi bị thu hồi với mức đền bù chỉ 54 triệu đồng. 

Theo phản ánh của ông Môi và một số hộ dân có đất bị thu hồi phục vụ dự án, suốt thời gian qua, Hội đồng Bồi thường thiệt hại và Giải phóng mặt bằng (BTTH&GPMB) quận Liên Chiểu thiếu minh bạch, không công khai thông tin dự án và tiến hành đền bù rất tùy tiện, mang tính áp đặt. Rõ nhất là trường hợp 2.110m2 mặt nước nuôi thủy sản của gia đình ông Môi.

Thế nhưng khi người dân khiếu nại về mức đền bù không thỏa đáng thì Hội đồng BTTH&GPMB quận có thông báo số 507 ngày 22/10/2019 trả lời diện tích 2.110m2 trên đã được lập tại hồ sơ đền bù số 164 và số 166 cho hộ ông Mai Tấn Cơ và ông này đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng ngày 30/08/2005.

Chị Mai Hiền, con gái ông Môi là người chạy ngược xuôi khiếu nại về khoản đền bù ngôi nhà diện tích 187,3m2 hơn 6 năm qua. Mỗi khi gia đình làm đơn đề nghị xem xét lại thì Ban BTTH&GPMB quận lại “nhích” thêm cho một khoản, lúc thì 10, khi 30- 40 triệu đồng. Đến khi ngôi nhà bị cưỡng chế phải phá dỡ vào ngày 30/10/2019 thì khoản tiền đền bù nâng từ 85 triệu (lúc ban đầu) lên 237 triệu đồng.

Chị Hiền bức xúc nói: “Chúng tôi đi đòi quyền lợi mà cứ như đi xin chính quyền. Họ giải quyết theo quy định nào mà như bố thí, kiểu thích thì cho thêm, không thích thì thôi”.

Ngày 04/03/2020, khi làm việc với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Đặng Văn Kiên, phó chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam cho biết, “việc các thửa đất số 32, 33, 34 đã được đền bù cho hộ ông Mai Tấn Cơ đã từ năm 2004 nên hiện nay phường không giữ hồ sơ mà Ban quản lý dự án giữ. Đề nghị các anh làm việc với họ”. Khi phóng viên  liên lạc với Ban BTTH&GPMB quận nhưng chưa gặp được những người có trách nhiệm, thay vào đó là sự phản hồi lấp lửng, tránh né.

Để giải tỏa những bức xúc chính đáng của người dân không có cách nào hơn việc công khai, minh bạch dự án, thực hiện đền bù, hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật, chính sách của Nhà nước.  

Đọc thêm