Đáng ghét cái sự 'hợm'

(PLVN) - Lời lẽ và cách xưng hô của một thanh niên Việt kiều dẫn chó đi dạo với các ông già bảo vệ chung cư biểu hiện một thứ văn hóa hợm hĩnh mà cụ thể ở đây là hợm của, hợm tiền và hợm... cả chó nữa. Chúng tôi không dẫn ra thái độ và ngôn ngữ của anh chàng này vì nó quá phản cảm, gây bức xúc cho những người đọc bài này một lần nữa.
Nam Việt Kiều dắt chó không rọ mõm đi trong khuôn viên khu chung cư.
Nam Việt Kiều dắt chó không rọ mõm đi trong khuôn viên khu chung cư.

Cô gái chủ cửa hàng xông vào đánh người phụ nữ lao công đáng tuổi mẹ mình khi được nhắc nhở giữ gìn vệ sinh chung, chắc chắn thái độ ứng xử hỗn hào này là biểu hiện của sự “cậy gần nhà”, cậy mình có cửa hàng hơn hẳn mấy người lao động chân tay, đó là một thói hợm hĩnh cậy có tiền, có sức khỏe mà coi thường và xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và cả thân thể của người khác.

Đôi khi sự hợm hĩnh lại biểu hiện ở các sắc thái khác theo chiều hướng ngược lại, tức là vứt bỏ sự tự trọng của chính mình. Ví dụ gần đây nhất là đám đông đổ xô vào siêu thị Auchan để mua hàng “xả kho” khi siêu thị này ngừng hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Người ta đã biến siêu thị thành bãi chiến trường, ngổn ngang hàng hóa bị bới cùng các đồ ăn, thức uống dở dang bỏ lại. Đó là thói hợm của những người tự cho mình cái quyền làm chủ trong chốc lát, tranh thủ làm “thượng đế” trong tình trạng “tháo khoán”, mạnh ai người nấy được.

Thói hợm này còn xuất hiện ở các nơi phát đồ miễn phí, thậm chí là trong các buổi liên hoan, chiêu đãi,... gây cảm giác chướng tai, gai mắt cho những người xung quanh. Khoe ô tô, nhà lầu, bộ cánh hoặc trang sức đắt tiền, khoe hàng hiệu và cả khoe thân và ra sức “dìm hàng” người khác là một sự hợm hĩnh thường thấy ở một số người tưởng mình là “ngôi sao”, “thần tượng”.

Thói hợm có cả trong những người có địa vị xã hội nhất định. Điển hình là nữ cán bộ lái xe va chạm với một nam sinh nhưng cho rằng “tính mạng của mày không quan trọng bằng cái xe của tao”. Các trường hợp tương tự cũng dễ bắt gặp trong sự ứng xử của giám đốc với lái xe, của quan chức với người đi đường, của một ông “cốp” nào đó với chú cảnh sát giao thông dám thổi còi xe mình, của sếp với nhân viên phục vụ... Có ông chủ giàu có lên tiếng công khai “phải cách ly người nghèo ra khỏi người giàu”, có những ông giữ cương vị lớn gặp chút vấn đề nào đó là đề nghị “xử lý” người này người nọ.

Đây là thói hợm quyền, hợm chức. Một minh chứng mới nhất về sự hợm quyền có thể dẫn ra trường hợp của Phòng Giáo dục một quận của Thủ đô trao phần thưởng vinh danh học sinh xuất sắc là một mảnh giấy màu xanh vô giá trị đựng trong gói quà rỗng. Cho mình cái quyền "đánh lừa học sinh" là sự hợm quá mức của các nhà quản lý giáo dục!

Tất nhiên, sự hợm hĩnh luôn luôn phải trả giá, có khi không phải hình thức phạt mà chỉ là sự khinh rẻ, coi thường của cộng đồng. Thế nhưng, thói hợm mà người ta tưởng là làm mình oai hơn ấy ngày càng phát triển nếu không có sự giáo dục, uốn nắn và lên tiếng phê phán của cộng đồng xã hội. 

Đọc thêm