Đánh người vì bức tường đổ: Lộ chuyện bất thường trong giải phóng mặt bằng

(PLO) - Từ việc bức tường ở vỉ hè bị đổ, chị Triệu Thị Phúc (thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã bị người cùng địa phương hành hung ngay tại nhà. Đáng nói, bức tường cũ này đáng lẽ đã phải bị phá dỡ, giải tỏa để làm vỉa hè từ lâu nhưng không hiểu sao vẫn tồn tại để rồi gây nên nhiều hệ lụy phức tạp? 
Bức tường bị đổ dựa vào xe công nông
Bức tường bị đổ dựa vào xe công nông

Theo tố cáo của chị Triệu Thị Phúc, sáng 17/12/2018, bà Nguyễn Thị Mậu (hàng xóm chị Phúc) đã sang nhà chị chửi bới vì cho rằng chị là người đã phá đổ bức tường trên vỉ hè (đoạn trước của nhà chị Phúc). Sau khi lăng mạ, bà Mậu đã cầm chiếc điếu cày và ghế nhựa đập vào mặt và đầu chị. Hai ngày sau, bà Mậu tiếp tục kéo người đến chửi bới, đe dọa chị Phúc.

Lo lắng cho sự an toàn của mình, chị Phúc đã gửi đơn tố cáo, kèm theo bộ hình ảnh đánh người của bà Mậu ngày 17/12 (do camera nhà chị Phúc ghi lại) tới chính quyền địa phương và một số cơ quan chức năng.

Theo chị Phúc, bức tường tuy trước đây thuộc sở hữu của bà Mậu do nằm trên đất thuộc quyền sử dụng của bà này. Nhưng từ năm 2016 thì thửa đất đã được Nhà nước đền bù, giải phóng mặt bằng để làm tuyến đường giao thông từ làng nghề Tân Triều đi khu đô thị Văn Quán. Đến nay, tuyến đường đã cơ bản hoàn thành nhưng không hiểu sao, bức tường cũ nhà bà Mậu (tường gạch đơn, cao khoảng 2m) không bị phá mà vẫn nằm trên phần vỉ hè, án ngữ trước phần đất của nhà chị Phúc.

Thấy bức tường chênh vênh, có thể gây nguy hiểm cho người dân qua lại, chị Mậu và một số người dân đã có đơn gửi UBND xã Tân Triều và UBND huyện Thanh Trì đề nghị cho tháo dỡ bức tường và thi công phần vỉa hè còn lại. Tuy nhiên, đề nghị chính đáng này đã không được chính quyền địa phương và chủ đầu tư đáp ứng.

Đêm 10/12, rạng sáng ngày 11/12/2018, do trời mưa gió nên bức tường trên đã bị đổ, dựa vào chiếc xe công nông đỗ cạnh đó. Thấy vậy, người dân đã  báo Thanh tra xây dựng xã Tân Triều xuống ghi nhận, xử lý.

Chị Phúc cho biết, sáng 11/12, có một cán bộ Thanh tra xây dựng (tên là Trần Anh) đã đến hiện trường chụp ảnh và nói với mọi người cứ lấy xe công nông ra để sử dụng. Khi xe công nông được đưa ra khỏi vị trí cũ thì bức tường đã bị đổ hoàn toàn. 

Liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Vũ Văn Thiệu (Cty Luật Hợp danh INCIP – Hà Nội) cho rằng, bức tường này đã cũ, kết cấu kém, lại cộng với thời tiết mưa gió nên bị đổ thì không thể đổ lỗi cho chị Phúc. Hơn nữa, về nguyên tắc thì sau khi bà Mậu nhận tiền đền bù đất, tài sản trên đất và bàn giao đất cho chủ đầu tư giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án làm đường thì bức tường trên đã là tài sản của chủ đầu tư dự án (tức UBND huyện Thanh Trì). Vì vậy, việc bà Mậu cho rằng bức tường này vẫn là tài sản của mình để “gây sự” với chị Phúc là rất vô lý. 

Cùng quan điểm này, ngoài việc đề nghị xử lý hành vi đánh người của bà Mậu thì chị Phúc còn có đơn đề nghị UBND xã Tân Triều, UBND huyện Thanh Trì xem xét trách nhiệm của những cán bộ có liên quan khi đã để lại bức tường cũ án ngữ chênh vênh trên vỉ hè, làm mất an toàn và gây hệ quả xấu về an ninh trật tự địa phương. Theo chị Phúc thì cơ quan chức năng phải cũng làm rõ việc để lại bức tường trên chỉ là việc làm vô ý, thiếu trách nhiệm hay đã có sự cố tình, với động cơ mờ ám nào đó?.

Đọc thêm