Doanh nghiệp cần gì?

(PLVN) - Ngày mai (9/5), Hội nghị giữa Thủ tướng với doanh nghiệp (DN) toàn quốc sẽ diễn ra, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương; 30 điểm cầu các bộ, ngành; và truyền hình trực tiếp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với số lượng đại biểu khoảng 6.000 người tại các điểm cầu và khoảng 800.000 DN, trên 5 triệu hộ kinh doanh cùng nhân dân cả nước có thể theo dõi, sự kiện này được xem như “Hội nghị Diên Hồng”.

Trước Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ mục đích Hội nghị là tháo gỡ khó khăn để tăng tốc phát triển, nên ngoài sự phấn đấu của bản thân DN thì trách nhiệm của các cán bộ, cơ quan nhà nước, các cấp, các ngành rất quan trọng.

Vì sao Thủ tướng nhấn mạnh điều này? Và DN cần gì? Có một vài sự kiện vừa mới xảy ra có thể giải đáp câu hỏi trên.

Tại cuộc tọa đàm do “đầu tàu kinh tế” TP HCM tổ chức ngày 5/5, thống kê cho thấy có đến 61% DN gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ và TP; 28% DN cho rằng quy trình, thủ tục phức tạp; 14% DN đánh giá cán bộ, cơ quan hướng dẫn chưa nhiệt tình…

Tại cuộc họp tại Hà Nội ngày 6/5, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh việc đẩy mạnh cải cách hành chính, rằng đây là giải pháp “xương sống” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ông Chung nêu dẫn chứng có vị phó phòng cầm hồ sơ của DN đến 8 tháng, có những hồ sơ từ năm 2018 bị các sở, ngành “đá qua đá lại, có hồ sơ đá đến 6 vòng”. Nêu ra những ví dụ đáng buồn ấy, ông Chung yêu cầu cán bộ phải thực sự nỗ lực công tâm và có nhiệt huyết làm việc, không gây khó khăn cho DN.

Tại Bình Dương, thời gian gần đây, Tập đoàn địa ốc Kim Oanh có hàng loạt đơn thư kêu cứu, phản ánh tình trạng các dự án đang thực hiện bị gây khó dễ khiến DN “chôn vốn” hàng chục ngàn tỷ, cả triệu m2 tại những vị trí đắc địa phải để hoang lãng phí…

Nguyên nhân đến từ việc Kim Oanh bị một số đối tượng cạnh tranh không lành mạnh “chơi xấu”, nhưng địa phương không vào cuộc giúp đỡ tháo gỡ khó khăn, mà lại có những động thái “lạ”, chưa rõ trắng đen đã lệnh “phong tỏa”, thậm chí điều tra các dự án của nạn nhân. DN như vậy hai lần “gặp nạn”.

Những ví dụ kể trên, đã phác họa được một ý trả lời cho câu hỏi “DN cần gì?”. Với những DN không có “thần, thế, quan hệ, hậu duệ” mà chỉ có khát vọng đầu tư kinh doanh sản xuất chính đáng; cần sự làm việc công tâm, đúng pháp luật… của cán bộ chức năng; sợ những chiêu trò gây khó dễ, sợ những “luật làng” và lợi ích nhóm ở các địa phương, sợ những sự đe dọa kiểu “quan thì xa, bản nha thì gần”.

Làm sao để hiện thực hóa chỉ đạo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh hồi cuối năm 2019 “trừ cứu hỏa và thiên tai, việc giải quyết các khó khăn của DN phải nằm ở trang đầu quyển sổ tay hành động của lãnh đạo địa phương. Cơ quan nhà nước phải loại đi những cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh do tham nhũng, tiêu cực hoặc do trình độ yếu kém, làm mất thời gian, cơ hội đầu tư của DN”; là điều DN cần nhất.

Đọc thêm