Đừng đùa với pháp luật

(PLVN) - Một Phó Chủ tịch xã ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã thoát tội phá rừng một cách khó tin, chuyện nghiêm túc mà như đùa cợt. Ông này đã cùng một đồng phạm khác phá rừng. Bị bắt quả tang và lập biên bản, ông đã thừa nhận hành vi của mình và ký tên vào đó. Phút chót, khi ra hầu tòa chỉ có một mình đồng bọn của ông, còn ông thì không bị làm sao cả.
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Bị truy vấn về chuyện này, ông giải thích là chỉ “ký thay cho vợ”, đồng thời, để màn kịch che mắt thế gian này “hợp pháp”, vợ ông và một số người dân khác đứng ra nhận là mình đã phá rừng.

Điều đáng phải quan tâm là cơ quan tố tụng cũng vào hùa với động thái che giấu vụng về và giả tạo này sao? “Ký thay cho vợ” mà cũng chấp nhận được thì quả là các vị coi pháp luật cũng chỉ là trò đùa thôi!

Cùng thời điểm, vụ phá rừng phòng hộ tại huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) vừa bị khởi tố hình sự về tội hủy hoại rừng. Những cây gỗ trăm tuổi, đường kính đến hơn 1 mét đã bị hạ gục tại đây và báo chí vào cuộc, phản ảnh “rất rát” thì vụ án này mới được khởi tố.

Giữ rừng mà rừng bị phá, bị mất mà cơ quan có trách nhiệm cùng chính quyền địa phương không hề hay biết là tình trạng rất phổ biến hiện nay. Có vụ phá rừng chỉ cách trạm Kiểm lâm hoặc đồn Biên phòng vài trăm mét, hoặc chẳng xa mấy với trụ sở cơ quan công quyền nhưng không cán bộ nào nhìn thấy cả và chủ yếu là do nhân dân phản ảnh, báo chí điều tra mới phát hiện ra.

Phát hiện ra và yêu cầu chính quyền xử lý thì vụ phá rừng quy mô thành vừa vừa, lớn thành nhỏ và không ít vụ thì cho “chìm xuồng” luôn, ngay cả lúc ra tòa thì thủ phạm phá rừng không xuất hiện mà chỉ có mấy “lâm tặc” là người chặt gỗ thuê chịu tội thay mà thôi.

Ngay tại các địa phương mà Thủ tướng yêu cầu đóng cửa rừng thì nạn khai thác rừng bừa bãi, hủy hoại rừng vẫn xảy ra như cơm bữa. Không chỉ phá rừng lấy gỗ, ở rất nhiều địa phương, việc phá rừng lấy đất sản xuất nông nghiệp diễn ra phổ biến. Bảo chặt gỗ trộm thì chính quyền không biết đã đành nhưng phá rừng làm rẫy diễn ra cả năm trời, phơi ra giữa “thanh thiên bạch nhật” mà không biết thì là chuyện lạ.

Tổng hợp các diễn biến trên và thực tế hoạt động của công tác bảo vệ rừng “cơ bản đã phá xong rừng” cho thấy chính quyền địa phương, ngành chức năng, cơ quan có trách nhiệm coi việc bảo vệ rừng đã được quy định thành luật như một trò đùa không hơn, không kém. Chưa thấy cán bộ cấp tỉnh nào phải hầu tòa về tội danh phá rừng thì đúng là thực tế buồn của chuyện “ký thay cho vợ”.

Rồi đây, có một nghề sẽ không còn tồn tại trên đất nước ta đó là nghề kiểm lâm bởi còn lâm đâu mà kiểm. Đội ngũ Kiểm lâm hùng hậu sẽ dần teo tóp đi vì đất sống dưới chân mình mà mình không bảo vệ!  

Đọc thêm