Giải quyết “khâu” oai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong việc phòng chống dịch COVID-19, do tình hình rất nghiêm trọng nên yêu cầu đặt ra cho toàn dân là phải có thái độ hết sức nghiêm túc, nghiêm cẩn về việc này. Thế mà, có những người tỏ ra bỡn cợt, coi thường, tung hoang tin và không ít người do “vạ miệng” đã phải chịu xử phạt hành chính, bị dư luận chê trách.
Giải quyết “khâu” oai

Lại có những người đưa cách chữa trị COVID-19 mà không hề có cơ sở và kiểm chứng lên mạng, hoang tin bệnh nhân F0 trốn khỏi khu cách ly dẫn đến bị phạt. Mới đây, một Youtuber loan tin Hà Nội bị phong tỏa, bị phạt tới 12,5 triệu đồng. Những câu chuyện tào lao tương tự như thế vẫn xảy ra và người đưa tin nhảm thì lãnh hậu quả, trả giá cho một động cơ vô bổ là "câu lai"!

Cũng là vạ miệng nhưng tính chất lại trở nên nghiêm trọng hơn nhiều, có thể dẫn tới phải xử lý hình sự, đó là thái độ hung hăng trước Cảnh sát giao thông khi vi phạm Luật Giao thông. Hầu như tất cả các vụ việc kiểu này đều bị xử lý nghiêm khắc, tuy nhiên, nó vẫn tiếp diễn với những kịch bản na ná kiểu như "biết tao là ai không" hay "biết xe này của ai chứ", nói quen biết ông này, ông kia và những lời chửi bới, đe dọa, thách thức tuôn ra. 

Mới đây, một tài xế xe Lexus đỗ xe sai quy định tại Hà Nội và có những phản ứng quyết liệt, tỏ ra mình là người quan trọng trước lực lượng Cảnh sát giao thông. Cuối cùng, khi đối diện với cơ quan pháp luật, người này đã nhận sai, xin lỗi vì chỉ là một tài xế bình thường. 

Cần phải quan tâm đến chi tiết xe này có trưng giấy ra vào Bộ Công an, tài xế khai đã mua giấy này với giá 500.000 đồng, thật giả không biết, chủ yếu để “giải quyết khâu oai”. Từ chi tiết này cần truy nguyên nguồn gốc của những loại giấy tờ kiểu này và có quyền nghi ngờ các xe ô tô gắn lên kính giấy ra vào của các cơ quan quan trọng hoặc quyền lực. Đã có một thời, nhiều xe gắn biển “hộ đê” để thoải mái đi lại, bị “bóc mẽ” và xử lý nay không còn hiện tượng đó nữa. Đối với tình trạng gắn “giấy ra vào” tùy tiện hiện nay cũng cần xử lý nghiêm khắc.

Cách thức “giải quyết khâu oai” của những anh tài này là mượn danh hoặc mạo danh quyền lực đã rất đáng lên án, thế nhưng, câu chuyện xảy ra mới đây lại làm dư luận thêm phẫn nộ. Đó là việc một nhân viên hợp đồng của Bộ Giao thông Vận tải đã ghi trên những thùng rượu hàng ký gửi máy bay là của Bộ trưởng để mong “được ưu tiên”. Ưu tiên chưa thấy đâu mà sự thật đã bị bóc trần và người “mượn oai” ấy đã phải tạm dừng công việc để giải trình.

Những hành vi liệt kê trên đây đều có thể coi là cách ứng xử thiếu văn hóa trong xã hội chúng ta - một xã hội lấy sự văn minh, lịch sự làm chuẩn mực phấn đấu, không nên để tái diễn.

Đọc thêm