Giáo viên dạy ngoại ngữ đánh học sinh sẽ bị xử lý như thế nào?

(PLVN) - Sau khi Báo PLVN phản ánh sự việc giáo viên dạy ngoại ngữ tại trường tiểu học Trung Hiền – Hai Bà Trưng – Hà Nội có hành vi sử dụng thước kẻ sắt đánh vào đầu nhiều học sinh, phóng viên Báo PLVN đã có buổi làm việc với Luật sư Đặng Văn Cường để tìm hiểu về chế tài xử lý hành vi bạo lực với học sinh. 
Giáo viên dạy ngoại ngữ đánh học sinh sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật Chính Pháp  trong thời gian vừa qua xảy ra không ít trường hợp giáo viên kỷ luật học sinh bằng những hình thức không phù hợp, thậm chí là sử dụng bạo lực khiến cho nhiều em học sinh lo lắng, sợ hãi, không muốn đến trường.

"Tôi cho rằng việc giáo dục học sinh bằng những biện pháp nghiêm khắc trong một số trường hợp là cần thiết nhưng không phải dùng vũ lực để uy hiếp, khiến các em sợ hãi." - ông nói.

Theo quan điểm của Luật sư, việc đánh học sinh chỉ là thể hiện sự “bất lực” trong việc dậy dỗ của giáo viên đối với các em học sinh, đây là một sự phản giáo dục, có thể gây hệ lụy lâu dài, ảnh hưởng đến tâm lý của các em: "Do đó, tôi cho rằng vụ việc giáo viên ngoại ngữ dùng thước kẻ đánh vào đầu rất nhiều học sinh là vụ việc nghiêm trọng, đây là hành vi vi phạm pháp luật, là hành vi bạo lực học đường và không thể chấp nhận trong xã hội hiện nay. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm xác minh, điều tra làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật."

Cũng theo quan điểm của ông Cường, trong trường hợp không đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì giáo viên này vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, nhà trường cũng có thể áp dụng thêm hình thức kỷ luật đối với giáo viên này.

Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật Chính Pháp trao đổi với Phóng viên Báo PLVN
 Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật Chính Pháp trao đổi với Phóng viên Báo PLVN

"Việc giáo dục học sinh cần phải áp dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ sư phạm, thể hiện thái độ nhân văn, gần gũi, chia sẻ cùng với các em thì mới đạt hiệu quả. Còn việc càng lạm dụng quyền hạn để đánh, mắng chửi các em thì tôi cho rằng đây là phản giáo dục, càng làm các em chán ghét và sợ hãi đến trường, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của các em. Do đó, nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục cần xây dựng những biện pháp cụ thể, hữu hiệu trong việc giáo dục các em học sinh để tránh tình trạng bạo lực học đường xảy ra." - ông Cường nói.

Trước đó, như PLVN đã đưa tin, phụ huynh có con đang học tại trường tiểu học Trung Hiền, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phản ánh, vào ngày 28/1/2021, các cháu N.H.N; B.T; K.L học tại lớp 3D bị cô giáo Phạm Thị Hương đã sử dụng thước kẻ sắt đánh vào đầu, vít đầu, véo tai.

Đáng chú ý, sự việc xảy ra đã nhiều ngày, thế nhưng lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Hai Bà Trưng vẫn chưa có thông tin gì phản hồi báo chí và dư luận khiến cho rất nhiều phụ huynh học sinh bức xúc.

Dưới góc độ pháp lý, nếu hành vi của giáo viên gây tổn hại sức khỏe cho các em học sinh dù chỉ từ 1% thì hành vi này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Còn nếu giáo viên có hành vi đánh, sỉ nhục, xúc phạm học sinh diễn ra thường xuyên khiến nạn nhân bị tổn thương nặng nề về tâm lý, dù không có tỷ lệ phần trăm thương tích, vẫn có thể khởi tố hình sự về tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc./

Đọc thêm