Hết thời “làm giả, ăn thật”

(PLVN) - Suốt hai ngày 15 và 16/1, tại cuộc họp giám sát của Quốc hội về vấn nạn xâm hại trẻ em, Bộ VHTT&DL lại một lần nữa bộc lộ kiểu làm việc “trên trời”.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được Bộ VHTT&DL thực hiện tại nhiều địa phương
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được Bộ VHTT&DL thực hiện tại nhiều địa phương

Báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của ngành văn hóa gặp nhiều phản ứng của các ĐBQH. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đại biểu Hà Nội) cho rằng báo cáo chưa đầy đủ, chưa phản ánh hết tình hình. ĐB Lê Thanh Vân thì nhận xét, đọc báo cáo cảm giác như việc triển khai các đạo luật về phòng, chống xâm hại trẻ em rất trì trệ. 

Khi Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị nói rõ hơn về vai trò quản lý gia đình của Bộ, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thuỷ cho rằng đã có bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được “cụ thể hoá quy định thành các bộ tiêu chí, có chung, có riêng để xây dựng đạo đức lối sống nâng cao giá trị truyền thống”.

Những tiêu chí này, theo bà Thuỷ “rất ngắn gọn, dễ nhớ: quan hệ vợ chồng thì chung thuỷ nghĩa tình, ông bà cha mẹ với con cháu thì gương mẫu yêu thương, con cháu với ông bà cha mẹ thì hiếu thảo lễ phép”. Vẫn lời bà Thủy “khi thực hiện thí điểm thì các địa phương rất phấn khởi, kết quả rất đáng mừng”.

Những giải trình theo kiểu bị đánh giá là sáo mòn, “trên trời” như trên đã bị ĐB Nguyễn Mai Bộ phản biện quyết liệt. Ông Bộ đề nghị cần nghiêm túc xem xét lại việc trao danh hiệu gia đình văn hoá: “Việc này quá hình thức và quá tốn kém lãng phí, việc trao danh hiệu gia đình văn hoá nhiều trường hợp rất phản cảm, trong làng ma tuý tràn lan vẫn gắn biển làng văn hoá”.

Vẫn lời ông Bộ: “Bộ VHTT&DL mới chạy theo việc ban hành văn bản, ngay như bộ tiêu chí ứng xử nói trên cũng cần phải xem lại, trong khi có nhiều quy định pháp luật thì chưa áp dụng triệt để”.  

“Ngành văn hoá cần xem lại những cái lãng phí không cần thiết, phải đi vào thực chất, ban hành tiêu chí không hiệu quả, không đi vào thực tế mà phải bằng công cụ quản lý”, ĐB Bộ nói.

Nhìn lại những “sóng gió” với ngành văn hóa trong năm qua, mới càng nhận ra “lỗ hổng” của ngành này mà các ĐB nhận xét như trên là chính xác. Phải chăng cho rằng “đạo đức, văn hóa” là những điều rất khó định nghĩa, định tính định lượng, và cũng làm việc theo kiểu “trên trời”, nên ngành văn hóa mới làm việc kiểu hình thức, để xảy ra những xì căng đan khiến dư luận nổi sóng.

Có điều những xì căng đan này rất cụ thể, rất chi tiết, không “trên trời” chút nào: Từ việc để hàng loạt di sản di tích bị xâm hại cụ thể; đến “lọt lưới” kiểm duyệt phim có “đường lưỡi bò”; cho đến hàng loạt sai phạm tại Cục Điện ảnh…

Năm cũ dù sao cũng đã khép lại. Nhưng năm mới, nếu không thay đổi tư duy kiểu cách làm việc, ngành văn hóa chắc sẽ còn “đại hạn”.

Đọc thêm