“Học phí” của quốc gia

(PLVN) - Đây không phải là chuyện học phí của đầu năm học mới, nhiều nơi “nhăm nhe” tăng. Chuyện “học phí” này là của quốc gia, không ai muốn nhưng nó đã xảy ra. 
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đội vốn hàng chục ngàn tỷ đồng
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đội vốn hàng chục ngàn tỷ đồng

Cụ thể, các dự án này đều phải điều chỉnh, tăng vốn rất lớn như dự án đường sắt số 1, Bến Thành – Suối Tiên tăng từ 17.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng, tăng tới 30.000 tỷ. Tuyến đường sắt số 2 của thành phố này cũng sẽ tăng như thế. Tương tự, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông của Hà Nội cũng tăng vốn tới 40.000-50.000 tỷ đồng.

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua về trách nhiệm với 5 đường sắt đô thị (ĐSĐT) đội vốn “khủng”, thấy nổi lên các vấn đề: thứ nhất, quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan đối với việc quản lý vốn ODA chưa rõ ràng, chưa chặt chẽ; thứ hai là ta chưa hiểu hết vấn đề?

Phía Bộ Tài chính cho rằng Bộ này chỉ có trách nhiệm nhất định, phía Bộ KH-ĐT cho rằng, các cơ quan đều chưa lường hết những vấn đề phát sinh và theo họ thì trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư. Ví dụ: dự án Bộ làm chủ đầu tư thì trách nhiệm của Bộ; dự án do UBND thành phố HCM hay Hà Nội làm chủ đầu tư thì trách nhiệm thuộc về 2 địa phương này.

Ai cũng biết, việc thực hiện các dự án bằng vốn ODA là để thu hút công nghệ và nguồn vốn vay ưu đãi từ nước ngoài nhưng trong quá trình thực hiện chưa lường hết được các vấn đề. Ai chưa lường hết các vấn đề? Tất nhiên không phải là dân mà các cơ quan và cá nhân ở tầm “chiến lược”. Người đứng đầu ngành KH-ĐT của đất nước còn cảnh báo đối với một số dự án, nếu không tháo gỡ được vướng mắc để tiếp tục triển khai, càng để chậm thì chi phí sẽ càng tăng lên nữa.

Không ai sinh ra đã khôn. Chúng ta đang học để làm kinh tế thị trường trong hoàn cảnh “vừa chạy, vừa xếp hàng”, khung luật pháp vừa có, vừa chưa có... nên phải trả “học phí” gần như là đương nhiên.

So với nhiều nước, Việt Nam hội nhập quốc tế muộn hơn và với một nền kinh tế đang phát triển, quy mô nhỏ bé, sức cạnh tranh yếu, dễ bị tổn thương. Câu chuyện “đội vốn khủng” ở 5 dự án được chất vấn trách nhiệm chỉ là “ví dụ” nói lên một vấn đề khác lớn hơn, đó là: môi trường pháp lý để Việt Nam hội nhập kinh tế cần làm kịp thời rất nhiều việc.

Thứ nhất, có lẽ là kịp thời rà soát, ban hành, sửa đổi và bổ sung hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện tiếp tục phát huy vai trò của Nhà nước. Thứ hai, có lẽ là tìm hiểu, nghiên cứu học hỏi để hoàn thiện pháp luật Việt Nam trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế. Thứ ba, có lẽ là đề cao kỷ luật, kỷ cương trong các hoạt động của các cơ quan nhà nước và những người có trách nhiệm.

Nếu chính sách, luật pháp cứ tiếp tục sơ hở và khi bàn về trách nhiệm đều “hòa cả làng” mãi thì gay go. Đáng tiếc, nhiều vấn đề, đáng ra chúng ta nên tổng kết thực tiễn để rút ra bài học về nhận thức lại làm không kịp, nên “học phí” quốc gia chưa biết đến bao giờ được chấm dứt.

Đọc thêm