”Ỉm” có được không?

(PLVN) - Các cán bộ Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Bình bị phát hiện “ăn chặn” hàng tỷ đồng tiền cho trẻ em, vụ việc đã chuyển hồ sơ sang công an điều tra và họ rất có thể bị cáo buộc tội tham ô.
Một cống xả nước thải ra biển Phú Quốc
Một cống xả nước thải ra biển Phú Quốc

Điều đáng buồn là tại sao là người lớn, cán bộ, công chức hẳn hoi lại đi ăn tiền dành cho trẻ em. Đó không chỉ vi phạm luật pháp mà còn gây ra một sự tổn hại đạo lý nặng nề.

Sự việc này khiến người ta nhớ lại vào năm 2013, các cán bộ ở Trung tâm Hỗ trợ trẻ em tàn tật ở Hà Giang đã “ăn chặn” 180 triệu đồng nhưng việc tham ô và trái đạo lý này đã bị “ỉm” đi vì nhà chức trách cho rằng nếu công khai sẽ làm “mất ổn định trật tự xã hội” và “người ta thấy thế sẽ không hỗ trợ nữa, gây thiệt thòi cho trẻ em tàn tật”.

Thậm chí, cơ quan chủ quản của Trung tâm này còn “dọa” xử lý người tố cáo sai phạm này với lý do “vi phạm những điều đảng viên không được làm”. Có phải vì cái cách ứng xử theo kiểu “ỉm” này đã là tiền lệ “tốt” để các cán bộ ở Quỹ Hỗ trợ trẻ em Quảng Bình học tập và làm theo?

Mới đây nhất, tại Phú Quốc (Kiên Giang) có 3 doanh nghiệp bị xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng vì xả thải làm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, Phòng Tài nguyên và Môi trường sở tại “bí mật” không cho báo giới biết tên của các doanh nghiệp này với lý do nếu công khai sẽ “phạm luật”. Luật nào quy định điều này khi việc xử phạt hành chính cần phải công khai như một hình thức răn đe, nếu tái phạm có thể xử lý hình sự. “Ỉm” đi như vậy, dân giám sát nỗi gì!

Trước nay, hành vi “ỉm” của cán bộ diễn ra hơi nhiều. Lớn là cả một bản đồ quy hoạch, nhỏ từ cái sổ “bìa đỏ” của dân, phổ biến là các dự án hỗ trợ người dân hoặc tiền quà ủng hộ người nghèo, nơi bị thiên tai,... Có những hồ sơ để người thuộc đối tượng chính sách bị “ỉm” hàng chục năm, huân, huy chương cũng chung số phận.

Thậm chí, có trường hợp còn “ỉm” đi cái chết của người khác để chiếm đoạt tiền trợ cấp của người ta. Đấy là chưa kể đến các chủ trương, chính sách tốt đẹp của Nhà nước dành cho nhân dân, nhiều nơi cũng “ỉm” đi. Những cái “ỉm” này khi bị phát hiện thường được giải thích là “quên”. Tại sao các cán bộ có trí nhớ kém cỏi, hay đãng trí như vậy mà lại được tuyển dụng vào bộ máy nhà nước nhỉ?

Khác với bệnh vô cảm của cán bộ, “ỉm” là một sự cố ý với mục đích, động cơ không tốt đẹp gì, gây hại cho người khác và xã hội. Đó là một cách hành xử rất phản cảm, không nên và không được có trong văn hóa ứng xử của đội ngũ người cán bộ, công chức nhà nước. 

Đọc thêm