Khi giải thưởng trở thành cái mác

(PLVN) - Những giải thưởng mang mác quốc tế nhưng thiếu chuyên nghiệp từ bấy lâu đã được nhận diện, không ít nghệ sĩ nhận giải bị chê cười. Thế nhưng, các giải này vẫn được tổ chức…

Khỏi phải nói, với những đơn vị tổ chức, những giải thưởng này đã đem đến cho họ nguồn lợi lớn như thế nào. Một ví dụ như AAA 2019 vừa qua. Ngoài mức vé bán ra từ vài trăm đến gần 6 triệu đồng, Với con số 20 ngàn khán giả, có thể hình dung được doanh thu “khủng” của BTC.

Đó là chưa kể đến các “chiêu trò” khác như giá 200 ngàn để có thể “đứng sát nghệ sĩ ngay sân khấu” dành cho những người không mua vé mà muốn vào sân khấu, hay mức giá cao ngất nhắn tin bình chọn nghệ sĩ, để rồi “huề cả làng” khi ai cũng có giải.

Trong khi một số giải thưởng âm nhạc thường mời nghệ sĩ nhiều fan để “câu fan” mua vé, “câu tin nhắn” bình chọn, thì những cuộc thi người đẹp mang mác “quốc tế”, châu lục lại có cách thức khác: Mời hàng loạt người đẹp vô danh hoặc không thể nào có được những danh hiệu ở một cuộc thi lớn, uy tín tham gia. Để rồi, ai cũng có những giải thưởng thật kêu mang về, với mức giá cho mỗi giải thưởng mà… chỉ có người trong cuộc biết với nhau.

Thế nên mới có chuyện, Ngọc Trinh, một nữ người mẫu nội y đầy tai tiếng ở Việt Nam mà không giải thưởng uy tín trong nước nào dám xét thì liên tiếp nhận các giải thưởng “quốc tế ao làng” như: “Ngôi sao châu Á”, “Nữ hoàng Bibiki châu Á”, “ Hoa hậu Quốc tế Việt Nam tại Mỹ”, “Nghệ sỹ trẻ châu Á xuất sắc nhất”…

Giải thưởng vô giá trị với giới chuyên môn, nhưng với những nghệ sĩ nửa mùa, ưa chuộng hư danh thì vẫn cần thiết cho nghề nghiệp của họ. Bởi, thà có vài giải thưởng tuy không chất lượng, nhưng nghe “kêu kêu” cạnh tên mình, còn hơn là hoàn toàn vô danh tiểu tốt. Ấy thế nên mới có những người đẹp mang những danh hiệu về nước mà đến khán giả Việt cũng không mấy ai biết là ai như Quế Vân, Tường Vy, Phan Như Thảo… Có những người đẹp, sau thời điểm nông nổi, đi thi về thì cảm thấy xấu hổ khôn xiết với những giải thưởng “thùng rỗng kêu to”, như trường hợp Phan Như Thảo.

Còn có những cuộc thi hoa hậu doanh nhân quảng bá tầm quốc tế, mà doanh nhân đoạt giải thì hết diễn viên hài đến chủ spa, thẩm mỹ viện, mà với tầm nhanh sắc hay quy mô thành đạt thì không biết BTC lấy tiêu chí nào để vinh danh. Như trường hợp Phi Thanh Vân đăng quang Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt 2017 tại Mỹ.

Hay một khía cạnh khác còn “tăm tối” hơn mà mới đây, một đường dây mại dâm nghìn đô bị phát hiện, những người điều hành đã tiết lộ rằng một số người đẹp lấy tiền đi mua giải thưởng nghe tên hoành tráng, quốc tế để… tăng giá bán dâm (!).

Thuận mua vừa bán, người tổ chức có lợi, người nhận giải cũng có lợi. Đó có thể là những lý do khiến các giải thưởng mang mác quốc tế chất lượng “ao làng” vẫn tiếp tục diễn ra bất chấp sự chỉ trích, chê cười, bất chấp khán giả quay lưng.

Đọc thêm