Làm gì để bỏ thói quen ăn nhậu “xấu xí“?

(PLVN) - Nếu như tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, việc uống rượu bia đi kèm "văn hóa thưởng thức", nghĩa là uống nhâm nhi, chuyện trò, cho món ăn thêm ngon, bữa ăn thêm vui, thì việc uống rượu bia ở nước ta thường trở thành các bữa "nhậu".
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhậu, có nghĩa là uống lâu, uống nhiều, uống say. Trên bàn nhậu của người Việt, người ta dễ dàng bắt gặp cảnh ép nhau. Có đủ lý do để biện minh cho chuyện ép rượu, ép bia. Như "vào ba ra bảy", một quy luật bất thành văn trên bàn nhậu, ai vào trễ thì uống liên tiếp ba ly, ai rời bàn sớm thì uống liền tù tì bảy ly, gọi là tạ lỗi anh em. Rồi luật uống bia theo vòng, một ly bia hay rượu, rót xoay vòng, đến lượt ai là phải uống cho kì hết, bất kể nam nữ già trẻ.

Có cả những "nội quy ăn nhậu" được truyền tay trên khắp bàn nhậu, rằng đã nhậu thì không được sợ say, đã nhậu thì không được xài điện thoại, làm phân tâm chuyện ăn nhậu, hay đã nhậu thì không được bỏ lượt, bỏ lượt là gian dối, chơi không đẹp, coi thường anh em... Kết cục của những "quy tắc" trên bàn nhậu này là những cuộc ăn nhậu "tới bến", "không say không về".

Bên cạnh đó, một bộ phận kinh doanh liên quan đến ăn nhậu vì lợi nhuận cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo ra những trào lưu "uống tới bến" bằng đội ngũ tiếp bia rượu, những chương trình thi uống bia rượu, trò chơi thách đấu...

Sau những cuộc vui, điều còn lại là sức khỏe bị hủy hoại trầm trọng, là những án mạng, ẩu đả do nóng giận khi có men, là tai nạn giao thông, bạo hành, nền tảng gia đình lung lay khi thay vì dành thời gian chăm sóc gia đình, người ta lại bận chén tạc chén thù trên bàn rượu. Đáng báo động hơn, chúng ta đang có một bộ phận thế hệ trẻ có xu hướng say sưa, đắm mình trong men bia rượu.

Từ ngày 1/1/2020, Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực, với nội dung đáng chú ý là điều 5, quy định cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia. Từ ngày 15/11/2020 Nghị định số 117 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. có hiệu lực, có các quy định nằm tại điều 30 đến 37 liên quan đến xử phạt hành chính về phòng chống tác hại rượu, bia. Theo đó, lôi kéo người khác uống rượu bia bị phạt 500.000 - 1 triệu đồng, ép người khác uống rượu bia bị phạt 1-3 triệu đồng…

Ý kiến chung của các chuyên gia ngành luật, chuyên gia xã hội học cho rằng đây là quy định cần thiết nhưng trên thực tế thực thi, xử phạt được là điều không dễ dàng, cần có những hướng dẫn thật cụ thể, đồng thời cần có lộ trình từng bước cho thật hợp lý. Tất cả hướng đến bỏ đi thói quen ăn nhậu "xấu xí" đã tồn tại trong xã hội chúng ta một thời gian dài, xây dựng nếp sống lành mạnh, tích cực trong người dân.

Nhà xã hội học Nguyễn Thu Hương: “Quy định cấm như trên là tiến bộ, nhận được sự ủng hộ của xã hội. Tuy nhiên, rất cần quy định cụ thể như thế nào là hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc. Có như vậy mới có cơ sở để xử lý hành vi vi phạm điều cấm. Đồng thời, để người dân biết mà tránh vi phạm. Cũng cần lưu tâm đối với xã hội ta, “văn hóa ăn nhậu” đã ăn sâu vào đời sống, trong thời gian dài.

Trong rất nhiều công việc, lĩnh vực công tác ở khu vực tư nhân hay nhà nước đều diễn ra việc nhậu nhẹt khá thường xuyên. Đồng thời, rất nhiều mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên cấp dưới, đối tác, cơ hội làm ăn, thăng tiến... được giải quyết trên bàn nhậu. Vì vậy, trong thực tế cuộc sống sẽ có những sức ép rất lớn từ các mối quan hệ mà người trong cuộc rất khó thoát ra.

Việc thay đổi nó không phải ngày một ngày hai. Nhưng việc thay đổi “văn hóa” này là rất cần thiết vì nhiều lẽ. Quy định cấm của luật sẽ rất có ý nghĩa và vai trò lớn trong việc thay đổi, ngăn chặn “văn hóa” trên. Vì vậy cần triển khai, thực thi quy định cấm này vào đời sống để thay đổi dần dần, bắt đầu bằng việc điều chỉnh hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia”. 

Đọc thêm