Lời giải nào cho bài toán “đinh tặc”?

(PLVN) - Sau nhiều năm âm ỉ gây bức xúc xã hội, nạn “đinh tặc” lại bùng phát tại một số địa phương, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. “Nóng” đến mức Ban An toàn giao thông (ATGT) TP HCM yêu cầu 24 quận, huyện phải rà soát, theo dõi các điểm vá xe để ngăn chặn, xử lý các đối tượng rải đinh nhằm trục lợi trên tính mạng, tài sản của người đi đường.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban Chuyên trách Ban cho biết, thời gian qua, TP HCM nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông nhưng còn có nhiều hành vi thiếu văn hoá gây ảnh hưởng trực tiếp đến ATGT, trong đó có hành vi rải đinh, vật nhọn.

Để xoá sổ vấn nạn “đinh tặc”, Ban ATGT TP đã yêu cầu Ban ATGT 24 quận, huyện trên địa bàn TP tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi những điểm vá xe lưu động. Những điểm vá xe phát sinh mới phải đảm bảo yêu cầu thì mới được phép hoạt động. 

“Đây là hành vi vì lợi ích cá nhân mà trục lợi trên tính mạng, tài sản của người khác, đến nỗi phải gắn cho cái tên là “đinh tặc”. Có người cán đinh dẫn đến TNGT, ảnh hưởng đến tính mạng”, ông Tường nói.

Cũng theo ông Tường, các đối tượng có hành vi rải đinh chủ yếu chỉ bị xử phạt hành chính. Đối với vấn đề này, UBND TP có chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm, xem xét cần thiết phải truy tố, xử lý hình sự nếu để xảy ra tai nạn ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân.

Theo Điều 261 Bộ luật Hình sự (BLHS), “người nào để vật sắc nhọn hoặc các chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ”, có thể bị phạt tiền đến 100 triệu, hoặc phạt tù đến 15 năm, nhưng kèm theo điều kiện những hành vi vi phạm phải gây ra những hậu quả như làm chết người, thương tổn từ 61% sức khỏe, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng…

Mới đây dư luận từng “nín thở” theo dõi sự việc một đối tượng rải đinh trên một cây cầu tại Hải Phòng, bị bắt quả tang, nhưng sau đó công an chỉ có thể xử lý hành chính vì luật chỉ quy định như vậy. Tại TP HCM, mới đây một đối tượng rải đinh thuộc dạng “chuyên nghiệp”, chế ra cả máy cắt đinh, nhưng công an cũng chỉ có thể xử phạt số tiền 7 triệu đồng rồi thả về.

Dư luận đã từng một thời tranh cãi quyết liệt, thậm chí có ý kiến đòi có riêng một tội danh cho những “đinh tặc”. Nhưng xem xét nhiều mặt, lật đi lật lại các vấn đề, yêu cầu có vẻ quá cực đoan, nên đối tượng “đinh tặc” được xếp vào dạng “cản trở giao thông” như Điều 261 BLHS. Giải pháp để ngăn chặn vấn đề này, như TP HCM đã làm, không chỉ xử lý bằng luật, mà phải “ngăn chặn từ xa”, rà soát theo dõi các điểm vá xe và cả xã hội phải lên án, đánh thức lương tâm những đối tượng manh nha, để vấn nạn không tái diễn. 

Đọc thêm