Lòng trắc ẩn ở đâu?

(PLVN) - Chúng ta đang nói nhiều với nhau về lòng trắc ẩn. Nhưng, đôi khi tôi tự hỏi lòng trắc ẩn là gì và tại sao con người lại có lòng trắc ẩn? Có phải chăng, trắc ẩn là một phần quan trọng trong cuộc sống? 
Lòng trắc ẩn ở đâu?

1. Những ngày qua, trên các trang báo, mạng xã hội, ai cũng xót thương cho những số phận không may bị tai nạn dẫn đến thiệt mạng vì sự cẩu thả của một số tay lái. Đó là chị lao công ngày đêm quét rác làm sạch thành phố bỏ lại hai đứa trẻ thơ dại. Đó là chị nhân viên nhà hát với mức lương hơn 2 triệu, làm đủ thứ nghề để kiếm sống nơi phố thị. Giữa lòng thành phố, nơi những tòa cao ốc mọc lên, xe cộ đi lại như mắc cửa, ngẫm sao con người lại quá đỗi mong manh. Bỗng chốc người ta chợt có chút trắc ẩn khi nghe những số phận đã chịu nhiều vất vả, nay lại bỏ lại những nỗi đau. 

Phải chăng lòng trắc ẩn luôn thường trực trong mỗi con người, chỉ cần một chất xúc tác nào đó, nó sẽ nhen nhói như một ngọn lửa âm ỉ. Tôi chợt nhớ đến câu “nhân chi sơ tính bổn thiện”, bản thân mỗi người đều có những ý thiện. 

Lòng trắc ẩn luôn hiện hữu nơi chúng ta sống. Đó là khi tôi chợt nhận ra bấy lâu mình quá vô tâm cho gia đình, ít thời gian cho những người mình yêu thương. Là những nỗi xót thương âm ỉ khi đọc một trang báo, xem một đoạn phim về ai đó bất hạnh. Là những cảm thương cho chính bản thân khi đối mặt với cuộc sống quá đỗi vất vả. Trắc ẩn là vậy? Là những cảm xúc nhân văn nhất, tính thiện hoàn hảo nhất nơi trái tim mỗi người.

2. Tôi vẫn nhớ những chuyến đi Sapa, những đứa trẻ người Mông ngồi trong giá rét. Chúng được bố mẹ đưa đến những khu đông khách du lịch để níu lấy “chút thương cảm” mà cho tiền hoặc mua đồ. Lần một chúng ta sẽ vui vẻ cho, lần 2,3 sẽ là lưỡng lự và cuối cùng từ chối. Những đứa trẻ còn nhỏ, đáng lẽ chúng phải đi học, phải vui chơi lại vô tình trở thành một yếu tố giúp bố mẹ kiếm tiền. Tôi khá buồn lòng khi “lòng trắc ẩn” của chúng ta đôi khi bị ai đó lợi dụng hoặc đặt không đúng chỗ. Sự giả dối sẽ làm lòng trắc ẩn của chúng ta tổn thương và dè dặt hơn với mỗi hoàn cảnh chúng ta gặp phải trong cuộc sống này.

Không chỉ lợi dụng lòng trắc ẩn của mỗi người, đôi khi người ta còn từ chối học cách yêu thương cho riêng mình. Không khó tìm kiếm những câu chuyện đầy đau đớn về sự vô ơn, thờ ơ, quay lưng trong xã hội hiện đại. Chúng ta sống trong một không gian số, con người dần lạnh nhạt với chính mình và cuộc sống xã hội. Lúc ấy, lòng trắc ẩn lại như một người bạn xa lạ với mỗi người. Chúng ta ngại cho đi, ngại chia sẻ, ngại yêu thương. Nó lạnh lùng đến mức khô cạn khi một người bạn của tôi thốt lên: “Tao cạn cảm xúc rồi”. 

Guồng quay cuộc sống cuốn chúng ta vào một bộ máy xã hội hoạt động liên tục. Ai đó quên rằng ngoài vật chất chúng ta còn tinh thần, ngoài đau đớn chúng ta còn yêu thương. Chẳng phải mỗi người có một trái tim để sống và yêu. Vậy mà, hiện tại, lại vô tình lạnh nhạt, làm con người nguội lạnh. Và lòng trắc ẩn lại bị từ chối xuất hiện ở một hoàn cảnh nào đó. Một điều thực sự buồn trong xã hội có quá nhiều đau thương.

3. Dạo gần đây, trên mạng xã hội liên tục xuất hiện các vụ chém giết. Những con người “máu lạnh” ấy lại khiến cả cộng đồng nghĩ suy. Phải chăng, con người đang thiếu lòng trắc ẩn cho riêng mình. Con nhẫn tâm giết mẹ, vợ chồng mâu thuẫn cùng vội kết thúc cuộc đời, anh này chị kia vì tình mà đâm ra chém giết. Vô vàn những thứ đáng sợ khiến ai cũng bất an. Vậy lòng trắc ẩn, sự yêu thương đang ở đâu?

Ở chính trong chúng ta đó thôi!. Ai cũng có tính thiện, chỉ là nó bị che lấp bởi những thứ vô hình đang bị tha hóa. Mọi người hãy nhìn cuộc sống, đặt tay lên trái tim ấm nóng để nghe cuộc đời thở than. Tiếng nói từ trái tim ấm áp, sẽ có sức lan tỏa khiến những dòng “máu lạnh” không được trở về tim. Sự lẻ loi sẽ làm họ giật mình, cho dòng máu ấm lại, xã hội mới có sức sống, mới xứng đáng với hai tiếng con người cao quý và thiêng liêng.

Mỗi người hãy đánh thức trái tim và lương tri nếu nó đang mải miết đâu đó. Hãy xây dựng tính thiện từ chính bản thân mỗi người. Gia đình là một môi trường quan trọng để phát triển sự nhân văn cho mỗi cá nhân trong cuộc sống. Nếu được lớn lên trong gia đình yêu thương, hạnh phúc, sẻ chia sẽ nhận được sự trưởng thành tích cực. Một gia đình văn hóa trong một xã hội phát triển, là điều kiện tối cần thiết. Các bậc cha mẹ dù trăm công nghìn việc tới đâu, cũng phải hiểu rằng giáo dục và chăm sóc con cái là bổn phận thiêng liêng. Kế đến là nhà trường cũng nên coi trọng môn học lòng trắc ẩn bên cạnh những môn khoa học kỹ thuật… để tình người luôn đầy ắp trong tâm người trẻ. Để các em khi trưởng thành quay về với chữ hiếu, sống văn hóa và nhân văn, động lòng trắc ẩn thương người, tràn đầy tính cách Việt.

Lòng trắc ẩn ở trong chính trái tim ta, bạn đã nghe thấy trái tim lên tiếng!

Đọc thêm