Mong đợi của nhân dân

(PLVN) - Chủ trì phiên họp thứ 16 Ban chỉ đạo Trung ương về  phòng chống tham nhũng mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo khẳng định: “Một không khí phấn khởi đang lan tỏa trong toàn xã hội”. 
ảnh minh họa
ảnh minh họa

Mỗi lần họp Uỷ ban Kiểm tra hay tòa tuyên bố cái gì là nhân dân, dư luận rất quan tâm. Nhân dân luôn mong mỏi, thậm chí có phần lo lắng: "Liệu có duy trì được không, có tiếp tục làm mạnh được không hay là chùng xuống?". Đấy là tâm lý có thật, chính đáng, đấy cũng điều ta vui, là sự ủng hộ chúng ta, mong muốn chúng ta làm mạnh mẽ hơn nữa.

Nhận xét của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là rất chuẩn xác. Nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng vào cuộc chiến chống tham nhũng, công cuộc “đốt lò”. Cứ mỗi khi có thêm quan chức tham nhũng bị “cho vào lò”, người dân cả nước lại thêm phấn khởi, tin tưởng. 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bị thi hành kỷ luật đảng và xử lý hình sự. Trong số mấy nghìn quan chức bị “cho vào lò”, có ngót nghét hàng trăm cán bộ cấp cao. Trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, nhiều Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, gần 30 tướng lĩnh quân đội và công an. Đúng là “không có vùng cấm”.

Mừng xen lẫn buồn. Không ai không buồn khi quy trình lựa chọn cán bộ được khẳng định là rất công phu, chặt chẽ nhưng xem ra còn quá nhiều lỗ hổng. Bóng dáng của “mua chức”, “mua quyền” hiện hữu, dù không bao giờ tìm ra “chợ” và “chứng cứ” mua bán.

Không ai không buồn khi nhận ra, ít có quốc gia nào trên thế giới có hệ thống các trường chính trị, hành chính dày đặc và các cuộc vận động về chính trị, tư tưởng được tổ chức rầm rộ nhưng hiệu quả thì như đã phơi bày: cán bộ cao cấp, đáng ra họ phải “nêu gương” thì sai phạm như đã thấy.

Không ai không buồn khi hệ thống giám sát dày đặc, từ trên xuống dưới, đủ ngang dọc nhưng gần như chỉ hình thức, “đóng dấu bảo hành” là chính. Không ai không buồn khi công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kể cả kiểm tra Đảng các cấp theo kế hoạch ít khi phát hiện ra tham nhũng. Các vụ tham nhũng đều do nhân dân phát hiện hoặc do nội bộ tố cáo, báo chí phanh phui, khi thanh tra, kiểm tra vào mới khui ra được tham nhũng.

Không ai không buồn khi công tác quản trị quốc gia vẫn mãi “bùng nhùng” giữa hành chính và kinh tế. Hôm qua Bộ chủ quản, hôm nay “Siêu Ủy ban” và ngày mai...?

Làm gì để nhân dân vững tin vào thành công của cuộc chiến chống tham nhũng đã và đang được triển khai quyết liệt chưa từng có?

Nếu như trước đây có một lãnh đạo tuyên bố “Kỷ luật hết lấy ai làm việc” làm dân mất hết hy vọng thì nay Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phát đi tuyên bố: "Đại hội là một dịp để ta sàng lọc cán bộ. Ai xứng đáng thì làm, không thì thôi, không sợ thiếu cán bộ". Vâng, đừng lo thiếu! Nếu cái “quy trình” hỏng thì đã có nhân dân. Đảng biết dựa vào dân thì dân sẽ giới thiệu cho Đảng đâu là cán bộ để giao nhiệm vụ.

Đọc thêm