Nghĩ từ câu hỏi của Thủ tướng

(PLVN) - Phát biểu khai mạc phiên họp thường kỳ của Chính phủ sáng qua (2/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, vấn đề quan trọng nhất, cần tập trung cao nhất, nỗ lực cao nhất là phải bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong cả năm và giải quyết toàn diện các vấn đề xã hội, nhất là lĩnh vực văn hóa, giáo dục.
Hình minh họa (ảnh: Tuổi Trẻ)
Hình minh họa (ảnh: Tuổi Trẻ)

Về văn hóa, giáo dục, Thủ tướng đau đáu trong từng lời phát biểu. Ông nhấn mạnh đến các vấn đề đã và đang nổi lên cần quan tâm, như nhiều vụ cháy nổ, tai nạn giao thông, phát sinh một số vấn đề xã hội, an ninh trật tự, môi trường ở một số địa phương.

“Đây có phải vấn đề báo động không? Bộ Giáo dục và Đào tạo trách nhiệm ra làm sao cũng như các địa phương phải có biện pháp như thế nào, các đoàn thể, các cơ quan có chức năng, trách nhiệm như thế nào trong vấn đề bạo lực học đường?”, Thủ tướng nói. Thưa Thủ tướng, chắc những người dự họp đều thấy quá báo động. Thủ tướng cho rằng, lo tập trung phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng không thể nào bỏ quên những vấn đề xã hội bức bối như vậy đối với đất nước.

Nhớ lại, cách đây hơn nửa thế kỷ, ở thời điểm vận mệnh đất nước một lần nữa bị đe dọa, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc tổ chức tháng 11/1946, Bác Hồ đã trình bày một quan niệm giản dị nhưng mang tính nguyên lý, có ý nghĩa cơ bản và lâu dài, đó là: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”...

Không nói ai cũng thấy rằng: Tình trạng thiếu chọn lọc trong việc tiếp thu, sự am hiểu chưa thấu đáo và điều tiết thiếu nhất quán về văn hóa những năm qua, không những không giúp hình thành kết cấu xã hội bền vững, mà còn đẩy tới sự mất cân đối nghiêm trọng giữa văn hóa và phát triển của đất nước. 

Xã hội đang xa rời giá trị đạo đức, sùng bái lối sống tiêu thụ,... là một trong số nguyên nhân đẩy tới sự nhiễu loạn văn hóa, bột phát hành vi làm rối loạn xã hội. Thực sự đáng lo. Những vụ việc như ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh), đánh bạn bầm giập ở Hưng Yên, sự biến thái về lối sống của những thanh niên như Ngô Bá Khá (còn gọi là Khá “Bảnh” ở Bắc Ninh)... chỉ là bề nổi của sự băng hoại lớn về văn hóa trong xã hội.

Văn hóa là nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững đất nước. Chúng ta có rất nhiều nghị quyết về văn hóa, nhưng tại sao văn hóa ngày càng đáng báo động? Đây là câu hỏi không hề nhỏ, nằm ngoài các báo cáo thành tích, báo cáo tổng kết, làm “đẹp” thực tế theo kiểu “thẩm mỹ cuộc sống”.

Chúng ta có quyền hy vọng ở tương lai không xa, nền văn hóa Việt Nam sẽ phát triển rực rỡ, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng - một “sức mạnh mềm” trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bây giờ canh cánh nỗi lo. 

Đọc thêm