“Người có uy tín” – đâu rồi sự minh định từ ngữ?

(PLVN) - Cụm từ "người có uy tín" xuất hiện với tần suất lớn trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội sau khi những người mua bằng ở Đại học Đông Đô được cơ quan chức năng gọi là "những người có uy tín".
Những người mua bằng ở Đại học Đông Đô được cơ quan chức năng gọi là "những người có uy tín".
Những người mua bằng ở Đại học Đông Đô được cơ quan chức năng gọi là "những người có uy tín".

Đáng tiếc là người ta sử dụng cụm từ này với ý nghĩa mỉa mai ở trong các trường hợp khác nhau, ví dụ như kẻ chủ mưu trong vụ thuê người chuyển 30 nghìn tỷ đồng ra nước ngoài hẳn thuộc loại "người có uy tín". Nếu không phải loại người đó làm sao có thể chiếm dụng được khoản tiền khổng lồ đó?!

"Người có uy tín" tất nhiên phải là những con người mẫu mực, có địa vị xã hội nhất định và đơn giản hơn, nói theo cách dân gian là "nói có người nghe, đe có kẻ sợ". Uy tín của họ được xây dựng và tích tụ trên cơ sở những hiểu biết và cách ứng xử của họ trong mọi mối quan hệ "nhân tình thế thái".

Tuy nhiên, cương vị (quan chức) mà họ đảm nhận, địa vị xã hội (học hàm, học vị) mà họ có không làm nên uy tín của họ mà chỉ bảo vệ, xác tín cho cái uy tín mà họ có do cách ứng xử mà họ tạo nên. Trường hợp "người có uy tín" mà mua và sử dụng bằng giả thì không còn là người có uy tín nữa, tự họ đã đánh mất đi cái mà họ đã từng có hoặc là họ đã bộc lộ bản chất thật của họ là họ không có uy tín gì cả, cả trong hai trường hợp ấy, công bố danh tính là một sự minh định cần thiết, chứ không phải xúc phạm đến những "người có uy tín".

Phiên tòa xét xử những kẻ lừa đảo tầm cỡ trong cái gọi là "Liên kết Việt" đang diễn ra tại Hà Nội với kỷ lục chưa từng có trong lịch sử tố tụng Việt Nam là mời đến hơn 6.000 người có quyền và lợi ích liên quan tới dự phiên tòa. Sự lừa đảo của những kẻ lừa đảo đã có kết quả ngoạn mục bởi biết lợi dụng uy tín của quân đội, giả danh cấp hàm, mời sỹ quan quân đội tham gia điều hành, mập mờ tên gọi Công ty BQP để người ta "tự hiểu" là Bộ Quốc phòng.

Chúng dùng cả thủ đoạn tổ chức linh đình đón nhận Bằng khen của Thủ tướng (giả), những sự kiện công khai đó diễn ra liên tiếp ở nhiều lúc, nhiều nơi, các "người có uy tín" bị đánh cắp uy tín đó ở đâu trong lúc đó để con dân bị lừa đảo đến mất trắng cả cơ nghiệp như thế này?

Như vậy, ý nghĩa thực sự của cụm từ đẹp đẽ này đã bị xuyên tạc, hay nói cách khác, khái niệm đang bị đánh tráo. Theo kiểu gì cũng rất nguy hiểm cho sự minh bạch của từ ngữ và cái cách người ta ứng xử với nhau. Mới đây, một nhà nghiên cứu xã hội rất nổi tiếng vừa qua đời, bài báo cuối cùng của ông là sự đòi hỏi phải minh định từ ngữ, nếu không, chúng ta sẽ lạc lối trong những cách hiểu mù mờ và luẩn quẩn không thoát ra được để tiếp cận với văn minh nhân loại.

Minh định từ ngữ, minh bạch thông tin không chỉ là cần thiết, chỉ dấu của một xã hội văn minh mà còn là biểu hiện văn hóa ứng xử của mỗi con người!

Đọc thêm